Ban điều phối Ngành hàng cà phê Việt Nam Vietnam Coffee Coordination Board

English Vietnamese

Bản tin tuần 37

❖ Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 11/2023 đạt mức bình quân 2.600 USD/tấn, giảm 1,6% so với tuần trước.

❖ Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2023 đạt mức bình quân 3.379 USD/tấn, tăng 2,44% so với tuần trước.

❖ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (EBC) quyết định tăng 25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính.

❖ Theo Tổ chức cà phê Thế giới (ICO) xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,2 triệu bao trong tháng 7, giảm nhẹ so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm 2022

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Thị trường London, tuần 37 có 4 phiên tăng giá và 1 phiên giảm giá đan xen. Giá cà phê Robusta-kỳ hạn tháng 11/2023 trung bình đạt 2.600 USD/tấn, giảm 1,6% so với tuần trước, và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cao nhất trong tuần đạt 2.703 USD/tấn, giá thấp nhất là 2.495 USD/tấn.[1]

Thị trường New York, trong tuần có 2 phiên tăng giá và 2 phiên giảm giá đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/223 bình quân đạt 3.379 USD/tấn, tăng 2,44% so với mức giá tuần trước, và giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cao nhất trong tuần đạt 3.509 USD/tấn, giá thấp nhất trong tuần là 3.322 USD/tấn. [1]

Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng lãi suất

Ngày 14/9, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (EBC) quyết định nâng lãi suất chủ chốt lần thứ 10 liên tiếp lên mức cao kỷ lục trong nỗ lực nhằm chống lạm phát. Cụ thể, ECB đã tăng 25 điểm phần trăm của 3 loại lãi suất chính, gồm lãi suất tái cấp vốn lên 4,25%, lãi suất tiền gửi lên 4% và lãi suất cho vay lên 4,5% - những mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời vào năm 1999. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân Châu Âu trong tiêu dung cà phê, dự báo nhu cầu cà phê trên thị trường EU có thể tiếp tục giảm trong thời gian thời gian tới [2]

Xuất khẩu cà phê Thế giới

Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,2 triệu bao trong tháng 7, giảm nhẹ so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (22/10/2022 đến 23/7/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 103,7 triệu bao, giảm 5,7% so với cùng kỳ niên vụ trước. [3]

Cà phê nhân xanh vẫn chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 với 9,3 triệu bao, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung từ đầu niên vụ 2022-2023 đến nay xuất khẩu cà phê nhân xanh chỉ đạt 93,6 triệu bao, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. [3]

Tháng 7/2023, xuất khẩu cà phê Robusta tăng mạnh, tăng 11,6% lên 3,6 triệu bao. Tính chung 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2023) xuất khẩu nhóm cà phê này đã tăng 3,8% so với niên vụ trước lên 37,4 triệu bao. [3].

Tỷ trọng của cà phê Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu theo đó tăng lên mức 40,1% so với 36,4% của cùng kỳ niên vụ trước. Trái lại, tỷ trọng của arabica giảm xuống còn gần 60% so với 63,6% của cùng kỳ. Xuất khẩu cà phê hòa tan đã giảm 16,6% trong tháng 7 và giảm 5,7% trong 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt tổng cộng 9,6 triệu bao. Cà phê hòa tan chiếm 9,2% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cà phê đã rang cũng giảm 12,7% trong tháng 7 và giảm 10,4% trong 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuống còn 0,6 triệu bao. [3]

Brazil

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafé) ở Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê hạt trong tháng 8 đã tăng hơn 33,17% so với cùng kỳ năm trước, lên đạt tổng cộng 3,35 triệu bao, bao gồm 2,65 triệu bao cà phê Arabica, tăng 11,20 % và 698.856 bao cà phê Conilon Robusta, tăng mạnh tới 442% so với cùng kỳ. Cecafé cũng đã báo cáo lũy kế xuất khẩu cà phê hạt trong hai tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại (từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, tăng hơn 28,22% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt tổng cộng 6,05 triệu bao. [4]

THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tuần này đồng loạt giảm nhẹ so với tuần trước so với tuần trước. Tại Đắk Lắk, giá cà phê Robusta bình quân trong tuần đạt 65.820 VNĐ/kg, giảm 0,26% so với tuần trước so với tuần trước, nhưng tăng 37,37% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Lâm Đồng, giá cà phê Robusta bình quân 65.120 VNĐ/kg, giảm 0,13% so với tuần trước, nhưng tăng 37,44% so với cùng kỳ năm 2022. [5]

Theo số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, với khối lượng đạt 84.647 tấn, trị giá 258,5 triệu USD, giảm 22,3% về lượng và 16% về trị giá so với tháng trước.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn, trị giá thu về gần 3 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về trị giá nhờ giá bán tăng cao [6] Tổng lượng cà phê xuất khẩu trong 11 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023) đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ niên vụ trước. [6]

Với sản lượng trong niên vụ hiện tại được dự báo chỉ vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 10 - 15% so với niên vụ 2021-2022, nguồn cung cà phê dành cho xuất khẩu đến nay gần như đã cạn và dự kiến chỉ có thể cải thiện kể từ tháng 11 tới khi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới 2023-2024 được đưa vào thị trường. [6]

Tuy nhiên, tồn kho ở mức thấp đã đẩy giá cà phê xuất khẩu trong tháng 8 vừa qua lên mức kỷ lục mới là 3.054 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 30% (gần 700 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.[6]

Tính chung 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê đã tăng gần 9% lên mức 2.463 USD/tấn. 8 tháng đầu năm nay, cà phê của Việt Nam được xuất khẩu tới 38 thị trường khác nhau trên thế giới. Trong đó, EU chiếm tới gần 38% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu với 455.111 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ cà phê của châu Âu. Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam tại EU gồm Đức đạt 145.896 tấn (giảm 9,2%), Italy 114.030 tấn ( tăng 17%), Tây Ban Nha 65.932 tấn (giảm 23%), Bỉ 48.906 tấn (giảm 51,3%). [6]

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong tháng 8, tăng 11,1% so với cùng kỳ lên 90.151 tấn, chiếm 6,6% thị phần. Lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trưởng khá tích cực như: Algeria tăng 71,4%, Mexico tăng 45,6%, Hàn Quốc tăng 14,3%, đặc biệt Indonesia tăng tới 157,8%. [6]

Theo Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng gần 22% trong 7 tháng đầu năm nay lên mức 448,7 triệu USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, tăng so với tỷ trọng 15% của cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, tỷ trọng của cà phê nhân (bao gồm robusta và arabica) giảm xuống còn 83,3% so với mức 85% của cùng kỳ. Chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu cà phê arabica giảm 34,6%, trong khi robusta tăng 3,9%.[6]

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5 - 6 tỷ USD vào năm 2030, chiến lược ngành cà phê là đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,..) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, cơn ác mộng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại. [7] Đắk Lắk Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, đến nay, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” đã được bảo hộ tại 32 quốc gia, với những hình thức bảo hộ khác nhau. Cụ thể, tại Thái Lan và 27 quốc gia trong Khối Liên minh Châu Âu (EU) nhãn hiệu sẽ được bảo hộ dưới hình thức “Chỉ dẫn địa lý”. Tại Trung Quốc, Singapore và Canada nhãn hiệu bảo hộ dưới hình thức “Nhãn hiệu tập thể”. Tại Nga, nhãn hiệu này được bảo hộ dưới hình thức “Tên gọi xuất xứ hàng hóa”. [7]

Tính đến tháng 9/2023, đã có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột". Các đơn vị đã tuân thủ hệ thống quản lý, quy trình sản xuất, phân hạng chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, v.v. bảo đảm đủ điều kiện sử dụng Chỉ dẫn địa lý "Cà phê Buôn Ma Thuột" cho sản phẩm cà phê nhân. [7]

Nguồn tham khảo:

[1] https://www.invinvesting.com/      [2] Tạp chí Kinh tế Việt Nam      [3] Hiệp hội cà phê Thế giới (ICO)     [4] Giacaphe.com      [5] CTV cà phê khu vực Tây Nguyên      [6] Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương       [7] Báo điện tử Đắk Lắk

Nguồn: AGROINFO