Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 9/2023 đạt mức bình quân 2.677 USD/tấn, tăng 1,52% so với tuần trước. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2023 đạt mức bình quân 3.544 USD/tấn, giảm 2,55% so với tuần trước.
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Thị trường London, giá cà phê kỳ hạn tháng 9/2023 tăng nhẹ sau 2 tuần giảm giá. Giá cà phê Robusta trung bình đạt 2.677 USD/tấn, tăng 1.52% so với tuần trước, và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cao nhất trong tuần đạt 2.688 USD/tấn, giá thấp nhất là 2.666 USD/tấn. [1]
Thị trường New York kỳ hạn tháng 9/2023 có xu hướng giảm mạnh so với tuần trước. Giá cà phê Arabica bình quân đạt 3.544 USD/tấn, giảm 2,25% so với mức giá tuần trước, và giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cao nhất trong tuần đạt 3.614 USD/tấn, giá thấp nhất trong tuần là 3.USD/tấn. [1]
Theo ICO, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm trong tháng 7/2023 đạt 3.492 USD (mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023). Giá cà phê giảm ở tất cả các loại cà phê. Trong đó, Arabica Colombia giảm tới 10% xuống mức trung bình 4.202 USD. Nhóm cà phê Arabica khác và Arabica Brazil cũng giảm lần lượt 6,7% và 9,6% xuống mức trung bình 4.266 USD và 3.516 USD. Riêng giá cà phê Robusta giảm ít nhất, chỉ giảm 3,4% và đạt trung bình 2.813 USD. Giá cà phê Arabica giảm mạnh hơn so với Robusta do Brazil đang vào vụ thu hoạch mới nên nguồn cung ở thị trường được cải thiện. Trong khi đó, giá cà phê Robusta vẫn được hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ cà phê giá thành cao sang cà phê có giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm khiến người tiêu dùng phải tối thiểu hóa chi phí sinh hoạt. [2]
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6/2023 đạt 10,4 triệu bao, giảm so với gần 11,2 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái, theo ICO. Tính chung 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 6/2023) xuất khẩu đạt 93,4 triệu bao (bao 60kg) 6,7% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tháng 6/2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 9,4 triệu bao, giảm so với con số 10 triệu bao của cùng kỳ năm trước và là tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp kể từ đầu niên vụ 2022-2023. Xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 0,94 triệu bao, giảm 8,1% so với tháng 6/2022. Xuất khẩu cà phê đã rang tăng 11,3%, đạt gần 72,3 nghìn bao. [2]
Tiêu thụ cà phê thế giới tăng 4,2%, đạt 175,6 triệu bao trong niên vụ 2021/22 do nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau những năm Covid-19 và sự khôi phục kinh tế toàn cầu trong năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm trong năm 2022 và năm 2023 và chi phí sinh hoạt tăng sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ cà phê của thế giới niên vụ 2022/23. Dự kiến sản lượng tiêu thụ cà phê thế giới niên vụ này giảm 1,7%. Trong đó, mức tiêu thụ cà phê ở Châu Âu giảm mạnh nhất trong các khu vực, giảm 0.1% so với niên vụ 2021/22.[2]
Sản lượng cà phê thế giới giảm 1,4% trong niên vụ 2021/22 xuống còn 1,65 triệu bao. Dự báo, sản lượng cà phê sẽ tăng trở lại trong niên vụ 2022/23 đạt 171,3 triệu bao, tăng 1,7%. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica đạt 98,6 triệu bao, tăng 4,6%. Dự báo thị trường cà phê thế giới sẽ thâm hụt khoảng 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022/23. [2]
THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tuần này tiếp tục tăng so với tuần trước. Tại Đắk Lắk, giá cà phê Robusta bình quân trong tuần đạt 67.433 VNĐ/kg, tăng 0,36% so với tuần trước, và tăng 47,13% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Lâm Đồng, giá cà phê Robusta tăng 0,36% so với tuần trước, đạt mức bình quân 66.860 VNĐ/kg, và tăng 47,27% so với cùng kỳ năm 2022. [5]
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 7 đạt 108.872 tấn, trị giá 307,9 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 18,4% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 7,6% về lượng nhưng tăng 14,1% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,1 triệu tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, do giá bán tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng 3,7% lên mức kỷ lục 2,7 tỷ USD. Tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam từ đầu niên vụ 2022 – 2023 đến nay (tháng 10/2022 đến tháng 7/2023) đạt 1,5 triệu tấn, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. [6]
Tháng 7/2023, giá xuất khẩu cà phê đã tăng lên mức kỷ lục mới là 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng tới 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng vượt xa mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10/2022. 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 2.418 USD/tấn. [6]
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI đã tăng 8,9% về lượng và tăng tới gần 19% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 381.400 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD. [6] Ngược lại, xuất khẩu của các doanh nghiệp vốn trong nước giảm 8,8% về lượng và 4,1% về trị giá so với cùng kỳ, đạt 735.404 tấn, trị giá hơn 1,6 tỷ USD. [6]
Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta trong 7 tháng đầu năm, chiếm hơn 38% tổng lượng xuất khẩu với 427.290 tấn, trị giá 984 triệu USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng phần nào đến nhu cầu cà phê của thị trường này. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Anh cũng giảm 25,2% Philippines giảm 32,6%; Malaysia giảm 20,3%; Australia giảm 46,9%... Trong khi đó, các chuyến hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 20,5%, đạt 86.546 tấn và chiếm 9,5% thị phần. Ngoài ra, một số thị trường khác cũng tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Nga tăng 11%; Algieria tăng 87,4%; Mexico tăng 59,4%; Hàn Quốc tăng 18,3%; đặc biệt một số thị trường tăng trưởng ba con số như Indonesia tăng 171,9%; Chile tăng 161,2%...[6]
Tài liệu tham khảo
[1] https://www.investing.com/ [2] Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) [3] International Comunicaffe [4] Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương [5] Cộng tác viên Cà phê khu vực Tây Nguyên [6] Báo Đắk Nông