Theo congthuong.vn
Nguồn cung giảm, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 9
Trong tháng 8/2024, giá cà phê Robusta và Arabica trên các sàn giao dịch quốc tế tăng mạnh, liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Đến đầu tháng 9, giá cà phê trên thị trường toàn cầu đã tăng mạnh, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử.
Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết tại Brazil và Việt Nam (hai quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới) không thuận lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
Giá cà phê đã tăng mạnh do các sự kiện thời tiết toàn cầu bất lợi mang lại lo lắng đối với sản lượng cà phê toàn cầu, như tình hình khô hạn ở Brazil, sau khi cơ quan khí tượng Somar Meteorologia đưa tin vào thứ Hai rằng, khu vực bang Minas Gerais của Brazil không có mưa trong tuần qua. Thêm vào đó, cơn bão Yagi, một cơn bão mạnh nhất lần đầu tiên hình thành từ biển đông tấn công vào miền Bắc Việt Nam như tạo nên một bằng chứng cho điều bất ổn của sự biến đổi thời tiết toàn cầu.
|
Cà phê Robusta lên đỉnh lịch sử, xuất khẩu cà phê thu về hơn 4 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) mới đây báo cáo rằng, xuất khẩu cà phê toàn cầu từ tháng 10 năm trước đến tháng 7 năm nay tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng không vì thế mà khiến cho giá cà phê sụt giảm, chứng tỏ điều bất ổn khá dai dẳng và thị trường cảm nhận rằng nó chưa hề được giải quyết cho dù sản lượng xuất khẩu tăng.
Ngoài ra, cả 3 thành phần quan trọng về đầu cơ trên thị trường (quỹ đầu cơ phi thương mại, các công ty quản lý quỹ và các quỹ chỉ số của thị trường) đều tăng vị thế mua ròng, đẩy giá tăng mạnh.
Chưa kể, lượng cà phê Arabica tồn kho đã qua phân loại, được nắm giữ trên thị trường New York đến ngày 27/8 giảm 420 bao, xuống còn 843.725 bao.
Các chuyên gia nhận định rằng, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng 9 do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Đặc biệt, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 tại Việt Nam dự kiến giảm mạnh, về mức thấp nhất 13 năm. Trong khi thị trường tiêu dùng cà phê chính thống ở Bắc bán cầu đang dần trở lại sau kỳ nghỉ hè, góp phần thúc đẩy một số hoạt động giao dịch cà phê thực trong những tháng tới trước thời điểm rang cà phê mùa đông ở cả châu Âu và Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 13/9, giá Robusta - loại hạt cà phê xuất khẩu của Việt Nam có sản lượng nhiều nhất thế giới trên sàn London giao tháng 11/2024 tăng mạnh 190 USD/tấn, lên mức 5.267 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 1/2025 tăng thêm 182 USD/tấn, ở ngưỡng 4.998 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá cà phê nhân xô cũng ghi nhận ngày thứ tư tăng liên tiếp, lên trên 121.000 đồng/kg.
Giá trung bình xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 8/2024 tăng vọt
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đạt 76.214 tấn, trị giá 402,2 triệu USD, giảm 1% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 9,9% về lượng nhưng tăng tới 55,8% về trị giá.
Như vậy, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã giảm trong 7 tháng liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy tồn kho cà phê của Việt Nam đã cạn kiệt và nguồn cung chỉ có thể cải thiện khi vụ thu hoạch mới được bắt đầu trong 1 đến 2 tháng tới.
Lũy kế 8 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,06 triệu tấn cà phê, thu về hơn 4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu cà phê tuy giảm 12,1% về lượng nhưng lại tăng mạnh 35,6% về giá trị.
Đáng chú ý, giá trung bình xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 8/2024 tăng vọt 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 5.293 USD/tấn. Còn tính trung bình trong 8 tháng năm nay, giá cà phê đạt 3.805 USD/tấn, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), thông tin, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8 vọt lên gần 5.300 USD/tấn - mức cao lịch sử.
“Từ khi nước ta xuất khẩu cà phê đến nay, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá loại hạt này vượt qua mốc 5.000 USD/tấn”, ông đánh giá. Tuy nhiên, sản lượng cà phê tồn kho của Việt Nam để xuất khẩu trong tháng 9 không còn nhiều, nguồn hàng đã cạn.
Đến tháng 10 tới đây, vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, rộ vụ vào tháng 11 và 12. Song, sản lượng cà phê của nước ta trong niên vụ 2024-2025 ước giảm khoảng 10% so với vụ trước đó (sản lượng niên vụ 2023-2024 ước khoảng 1,5 triệu tấn), ông Hải cho hay.
Là đơn vị xuất khẩu cà phê lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk, nhưng tổng sản lượng xuất khẩu cà phê năm nay của Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk dự kiến sẽ thấp hơn năm trước khoảng 10% do thiếu hụt nguồn cung.
Theo một doanh nghiệp cà phê tại Đắk Lắk cũng dự báo sản lượng cà phê vụ tới có thể giảm 5-10%. Bởi, một số nơi trồng cà phê cho thấy sự xâm lấn của các loại cây trồng khác như cây sầu riêng đã làm diện tích cà phê thu hẹp lại.
Ngoài ra, đợt khô hạn giữa năm nay cũng ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng này ở nhiều tỉnh vùng Tây Nguyên.
Về giá xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam nhận định, dù vào mùa thu hoạch, sản lượng cà phê sẽ dồi dào nhưng giá cà phê vẫn có thể ổn định ở mức cao, có lợi cho người nông dân.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, thời gian tới, loại hạt này rất khó giảm sâu bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu dẫn đến giảm nguồn cung. Các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới, căng thẳng trên Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Cùng với đó, nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ.
Đây là các yếu tố tác động lớn đẩy giá cà phê trên toàn cầu tăng và neo ở mức cao, trong đó có giá cà phê ở Việt Nam, ông cho biết thêm.