Ban điều phối Ngành hàng cà phê Việt Nam Vietnam Coffee Coordination Board

English Vietnamese

Ngành cà phê Việt Nam lạc quan, sẵn sàng ứng phó với hạn hán

Bất chấp đợt hạn hán kéo dài vừa qua, nhiều người dân trồng cà phê trong nước đã có những giải pháp thiết thực để đối phó với thời tiết khắc nhiệt.

Congthuong.vn

Năm nay, ngành cà phê Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ, làm dấy lên mối lo ngại về giá cà phê tăng mạnh trên toàn thế giới.

Với tâm lý bất an, nhiều chuyên gia trong nước đã có dự đoán không mấy khả quan về triển vọng cà phê trong năm 2024. Thậm chí, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đã dự kiến sản lượng cà phê có thể giảm từ 10-16% do nắng nóng cực độ tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên từ tháng 3 đến đầu tháng 5.

Tuy nhiên, lượng mưa lớn bất ngờ tại Tây Nguyên trong những tuần gần đây đã cải thiện triển vọng về cà phê trong nước, thúc đẩy niềm tin của nông dân và các doanh nghiệp.

Ngành cà phê Việt Nam lạc quan, sẵn sàng ứng phó với hạn hán
Bà Trần Thị Hương, sống tại Gia Lai, đang chăm sóc cây cà phê của mình. Nguồn ảnh: Reuters

Bất chấp đợt nắng nóng vừa qua, nhiều người nông dân trồng cà phê tại khu vực miền Trung đã có những giải pháp thiết thực để đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Trả lời phỏng vấn với kênh Reuters, ông Nguyễn Hữu Long, người trồng cà phê trên diện tích 50 ha ở Gia Lai cho biết: “Tôi dự đoán sản lượng cả nước sẽ giảm 10-15% nhưng trang trại của tôi sẽ tăng sản lượng”.

Lý giải cho dự đoán lạc quan của mình, ông Long cho biết ông đã giữ ẩm cho đất xung quanh cây bằng cách phủ lá lên trên, để bảo vệ cây của mình trong đợt nắng nóng. Trái ngược với phong tục chặt cây sau vài năm để nâng cao chất lượng đất, ông Long đã giữ gìn cây cà phê của mình trong hàng chục năm. Kết quả là cây cà phê của ông Long có rễ sâu hơn và dễ có khả năng tiếp cận nguồn nước ngầm hơn.

Tương tư, ông Đoàn Văn Thắng, 39 tuổi, cho biết nông dân trong trang trại của ông cũng đã làm mềm đất xung quanh cây cà phê để cải thiện khả năng hấp thụ nước mưa và phân bón.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hương, một người dân trồng cà phê tại Gia Lai, nói rằng cây cà phê trong trang trại của bà đã phải sử dụng nhiều nước hơn bình thường. Tuy vậy, nhờ nguồn dự trữ dồi dào từ các kênh mương do địa phương xây dựng, bà có thể tưới đủ nước cho cây trồng của mình trong đợt nắng nóng vừa qua.

Chia sẻ với phóng viên của Reuters, bà Hương thừa nhận quả cà phê đợt này tuy nhỏ hơn những năm trước nhưng bà kỳ vọng sản lượng cà phê sẽ không bị ảnh hưởng. Để đảm bảo đầu ra, bà cũng đã kịp thời dùng thuốc trừ sâu sinh học để chống lại số sâu bọ tăng đột biến do thời tiết khắc nghiệt.

Trái ngược với tâm thế khả quan của những người nông dân, nhiều nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an về sản lượng cà phê Việt Nam trong thời gian sắp tới, do các dự báo thời tiết về lượng mưa giảm sút sau hạn hán vừa qua và lượng mưa lớn trước mùa thu hoạch vào tháng 10. Giá bán buôn cà phê Việt Nam cũng có thể biến động do nhu cầu cà phê Robusta (mặt hàng cà phê chủ lực của Việt Nam) đang tăng trên toàn cầu, trong khi nhiều người nông dân Việt Nam đã thay thế cây cà phê bằng cây sầu riêng, để đáp ứng nhu cầu rất lớn từ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, báo cáo vừa qua của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy triển vọng thu hoạch cà phê của Việt Nam trong năm 2024-2025 vẫn khá lạc quan. Theo báo cáo, sản lượng cà phê Việt Nam được dự báo sẽ không thay đổi, ở mức 29 triệu bao, bất chấp tình trạng thời tiết khắc nhiệt hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ giảm gần 500.000 bao, xuống chỉ còn 24,4 triệu bao, do tổng nguồn cung giảm và nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã ca ngợi những thành công của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên và Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm và độ che phủ rừng. Các thành công này đến từ các kế hoạch thay thế cây cà phê cũ bằng giống mới, trồng xen canh để tăng bóng mát và giữ nước, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước. Qua đó, ngành cà phê Việt Nam đang ngày càng phát triển bền vững, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân.