Ban điều phối Ngành hàng cà phê Việt Nam Vietnam Coffee Coordination Board

English Vietnamese

Tìm lời giải cho bài toán giải ngân vốn tái canh cây cà phê

Tây Nguyên hiện có hơn 450 nghìn ha cà phê, chiếm trên 90% diện tích cà phê cả nước nhưng có đến trăm ngàn héc ta già cỗi là nguyên nhân sụt giảm cả sản lượng và chất lượng cà phê toàn vùng. Việc trồng lại hoặc phục hồi diện tích cà phê già cỗi ở Tây Nguyên đang được đặc biệt chú trọng.

Ngày 31/3, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra Hội nghị chỉ đạo thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại VN (VnSAT). Dự án hướng đến hoạt động hỗ trợ tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên trong thời gian tới. Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tổng mức đầu tư thực hiện dự án khoảng 300 triệu USD. Trong đó có 105 triệu USD là vốn tín dụng dành cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê.

Ông Sergiy Zorya, Chuyên gia kinh tế cao cấp về Nông nghiệp của Ngân hàng thế giới

Ông Sergiy Zorya – Chuyên gia kinh tế cao cấp về Nông nghiệp của Ngân hàng thế giới nhận xét: “Hiện nay, lúa gạo và cà phê là những mặt hàng hết sức quan trọng của Việt Nam. Hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong công nghệ chế biến là điều mà Ngân hàng thế giới cho rằng hết sức quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, thông qua dự án VnSAT Ngân hàng thế giới đã cung cấp nguồn vốn tín dụng lớn giúp Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất chế biến từ đó có thể ngang bằng với những quốc gia khác về chất lượng lúa gạo cũng như xuất khẩu lúa gạo”.

Tại Tây Nguyên, dự án VnSAT được thực hiện tại năm Tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nông dân các tỉnh thuộc vùng dự án tái canh bền vững và nâng cao giá trị ngành hàng lên từ 40 – 60 triệu USD 1 năm. Để thực hiện mục tiêu này Dự án đã thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động trong đó có việc tháo gỡ bài toán nguồn vốn tái canh cho bà con nông dân.

Vườn ươm giống cây cà phê phục vụ tái canh

Thực tế, việc tái canh đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, ngoài vốn tự có, người nông dân tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại. Tài sản trên đất của nông dân (nhà cửa, vườn cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có nhưng người dân đã sử dụng thế chấp ngân hàng trước đó, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn.

Giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng khi xác định giá thế chấp thì tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hằng năm, dẫn đến hệ luỵ là người nông dân không thể huy động được nguồn kinh phí cần thiết để thực hiện tái canh. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có khả năng tài chính hoặc tài sản không đáp ứng được đủ các điều kiện vay vốn, khó triển khai thực hiện tái canh.

Đặc biệt, việc cung cấp chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng vốn theo yêu cầu của ngân hàng cũng rất khó thực hiện đối với nông hộ. Riêng đối với các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê thì việc vay vốn không được giải ngân trọn gói một lần tổng số tiền được vay mà thời gian cho vay tái canh phải từ 3 – 5 năm qua các lần thẩm định nghiệm thu khác nhau.

Hiện nay, đa phần các hộ nông dân đều tiến hành tái canh cuốn chiếu nhằm duy trì thu nhập trong thời gian chờ cây trồng mới cho thu nhập. Bên cạnh đó bà con không tái canh tập trung theo từng khu vực diện tích mà tái canh nhỏ lẻ theo hình thức cây nào già cỗi không cho thu nhập thì tái canh trước, dẫn đến việc ngân hàng không xác định được diện tích tái canh thực tế để tiến hành các thủ tục cho vay vốn.

Trong Quý I/2017, với tinh thần chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo dự án – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã làm việc với 5 tỉnh Tây Nguyên cùng các ngân hàng để tìm giải pháp có tính khả thi cao về nguồn vốn.

Ban quản lý dự án VnSAT – Gia Lai họp Giải ngân nguồn vốn tín dụng với 8 ngân hàng bán lẻ tham gia dự án trên địa bàn tỉnh

Mỗi tỉnh đã tiến hành rà soát và lập danh sách các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn tái canh bao gồm diện tích, hình thức tái canh, xác định tài sản đảm bảo và tình trạng của tài sản đảm bảo để từ đó lọc ra những nhóm đối tượng đáp ứng tương đối các yêu cầu giải ngân vốn. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ các Ban quản lý dự án cấp tỉnh đã có sự phối hợp với chính quyền cấp xã đứng ra xác nhận diện tích tái canh của các hộ vay vốn giúp gỡ khó cho ngân hàng và đẩy nhanh tiến độ tái canh.

Từ những nỗ lực kể trên Quý I năm 2017, gần 1000 bộ hồ sơ vay vốn Tái canh của các nông hộ tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã được Ngân hàng tiếp nhận và tiến hành các thủ tục giải ngân. Trong đó năm 2016, riêng tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân thành công gần năm 50 bộ hồ sơ vay vốn với con số trên 10 tỷ đồng đến tay bà con nông dân.

Theo Tintaynguyen