Ban điều phối Ngành hàng cà phê Việt Nam Vietnam Coffee Coordination Board

English Vietnamese

Hình thành liên kết vùng sau Lễ hội cà phê

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 đã khép lại. Sự thành công của lễ hội không chỉ ở những chương trình, nội dung diễn ra mà quan trọng hơn là hình thành liên kết vùng vô cùng đắt giá trong tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cà phê.

Cây cà phê chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên.

Từ liên kết cá nhân, tập thể...

TS.Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho hay, câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất tại lễ hội cà phê năm nay là: Làm sao để chất lượng cà phê Việt Nam cũng nổi tiếng như năng suất và sản lượng? Và TS.Trương Hồng lấy việc phân tích cái hay của chủ đề “Liên kết phát triển” làm câu trả lời.

Ông Đậu Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát, chia sẻ: “Hội chợ là dịp để chúng tôi giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác mua bán các sản phẩm liên quan đến cà phê với các doanh nghiệp trên cả nước. Không những vậy, thông qua hội chợ, chúng tôi còn mong muốn hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư lớn để cùng phát triển”.

Theo Ban tổ chức, hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê được Cục Xúc tiến thương mại đánh giá là một trong những hội chợ chuyên ngành lớn nhất cả nước, thu hút sự tham gia của 235 đơn vị với 734 gian hàng, trong đó có 58 gian hàng của 12 doanh nghiệp nước ngoài; có tổng cộng 350.000 lượt khách (bình quân 60.000 lượt khách/ngày) tham quan hội chợ…

Một nội dung có ý nghĩa, thiết thực đối với người nông dân, nhất là người trồng cà phê phải kể đến hội thi “Nhà nông đua tài”. Đây là hội thi giúp người nông dân lĩnh hội được nhiều kiến thức, kỹ năng trong sản xuất cà phê và các vấn đề liên quan từ sản xuất đến chế biến, thị trường cũng như các chính sách có liên quan đến lĩnh vực sản xuất cà phê, tái canh cà phê, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tham gia hội thi, ông Nguyễn Văn Tới chia sẻ: “Đến với hội thi, hầu hết chúng tôi đều có chung một mong muốn là làm sao học hỏi, nắm bắt được càng nhiều kiến thức về cà phê, về kỹ thuật canh tác, tái canh cà phê, vấn đề đất trồng và kỹ thuật thu hoạch, chế biến cà phê đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, để khi trở về địa phương có thể áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân và xã hội”.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, TS. Hồng cho rằng, liên kết vẫn là vấn đề “phải bàn nhiều lần”, trước mắt cần gom các hộ sản xuất đơn lẻ thành hợp tác xã, thành doanh nghiệp nông nghiệp, để quản lý từ đầu vào, kỹ thuật đến đầu ra… Trên thực tế, đầu vào bây giờ không phải quá tốt, người nông dân vẫn sử dụng vật tư theo cảm tính, đôi khi dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Nguyễn Tấn Nguyên, phụ trách kinh doanh Công ty cà phê Đắk Man, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sớm nhất vào ngành cà phê Đắk Lắk, vấn đề liên kết để phát triển đã đặt ra từ lâu ở địa phương. Nhưng cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa bền vững, dù có 40.000 hộ nông dân tham gia, trên diện tích 64.000 ha, bằng gần 1/3 diện tích toàn tỉnh.

Sau khi nêu thực tế, ông Nguyên cho rằng, điều này (liên kết -NV) sẽ chỉ được khắc phục khi vai trò kết nối, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước được thể hiện tích cực hơn.

… ...Đến liên kết vùng

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột không chỉ là cơ hội để các cá nhân, tập thể có cơ hội gặp gỡ, hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh với nhau mà quan trọng hơn, qua đây hình thành liên kết vùng Tây Nguyên trong một chuỗi thống nhất cùng phát triển.

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm và sản xuất cà phê đạt chứng chỉ chất lượng quốc tế; một số mô hình liên kết giữa tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nông hộ sản xuất cà phê. Tuy nhiên, hiện cà phê Tây Nguyên cũng như cà phê Việt Nam nói chung hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm vẫn còn thấp. Đa số xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất cà phê của toàn vùng.

TS. Trương Hồng cho rằng, mọi khía cạnh kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm cà phê đều đã được các nhà khoa học nghiên cứu tỉ mỉ. Từ các loại giống mới cao sản, kháng bệnh tốt đến kỹ thuật thâm canh, tưới, bón, cải tạo vườn cỗi, chế biến sau thu hoạch... Vấn đề ở chỗ làm sao mọi thông tin hữu ích này đến được với từng nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Muốn vậy, nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác truyền thông và đội ngũ cán bộ khuyến nông.

Trong cuộc hội ngộ các nông dân tỷ phú của Đắk Lắk, cách làm giầu của nông hộ Nguyễn Thị Thái Hà (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar) gây chú ý, với việc gia đình chị sớm biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào việc trồng xen cà phê với tiêu, sầu riêng, bền bỉ tích tụ đất đai và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ từ Israel trên toàn bộ diện tích 22ha, đạt thu nhập hơn 7 tỷ đồng/năm. 

TS. Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, năng suất cà phê bình quân toàn tỉnh Lâm Đồng đạt gần 3 tấn/ha, nhờ tái canh sát kế hoạch, đạt yêu cầu bằng nhiều giống cà phê cao sản. Hai huyện Di Linh, Bảo Lâm đã hình thành vùng chuyên canh cà phê hơn 10.000ha với năng suất 4 tấn nhân/vụ trở lên, cá biệt gần 100ha cà phê trồng giống Arabica mới, kháng bệnh tốt, năng suất tới hơn 10 tấn nhân/ha. Lâm Đồng đang đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu toàn cầu cho 5-6 nhãn hàng cà phê của tỉnh, liên kết với chỉ dẫn địa lý cà phê vùng Buôn Ma Thuột, đồng thời gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế để thu hút nguồn vốn chế biến sâu cho cà phê nâng cao chuỗi giá trị gia tăng.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Để Tây Nguyên phát triển, trở thành vùng đất trù phú của cả nước, cần tập trung mọi nguồn lực, xã hội hoá công tác xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường hơn nữa liên kết vùng để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tập trung thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp theo chuỗi và quan tâm khai thác các giá trị gia tăng cho sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh lớn, nhất là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Liên kết để phát triển là mệnh lệnh được đưa tới từ thị trường cà phê đầy khắc nghiệt. Cà phê Tây Nguyên cũng đã đi được những bước đầu tiên trong liên kết. Trong đó, riêng Đắk Lắk đã có 226.000 tấn được sản xuất theo cách này, chiếm một nửa sản lượng của tỉnh, bán với giá cao hơn giá niêm yết trên các sàn cà phê từ 80 - 600 USD/tấn. Tuy nhiên, tiến độ như vậy là chưa đáp ứng được yêu cầu, một nửa sản lượng của tỉnh vẫn bị trừ lùi, có khi tới 80 USD/tấn.

Với những liên kết đã thành lập cũng tồn tại điều đáng lo, đó là chưa bền vững vì thiếu chất keo kết nối là chính sách và sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước. Hội tụ tinh hoa-Phát huy bản sắc- Liên kết phát triển là chủ đề rất có ý nghĩa tại Lễ hội cà phê năm nay. Nhưng nếu có thêm chủ đề “phát huy trách nhiệm”, ngành cà phê Việt Nam sẽ mạnh hơn.

Theo Kinh tế nông thôn