Ban điều phối Ngành hàng cà phê Việt Nam Vietnam Coffee Coordination Board

English Vietnamese

Tìm bản sắc cho cà phê Việt

Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô chưa mang lại chuỗi giá trị, chưa xứng tầm với vị thế.

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 6, ngày 11-3, tại Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017.

Xuất thô, giá rẻ

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng kim ngạch chỉ đạt trên dưới 3,5 tỉ USD. Cà phê Việt Nam chưa có bản sắc, đặc biệt chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan là Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, còn cà phê qua chế biến chỉ ở mức 5%-7% sản lượng nên chưa mang lại giá trị xứng tầm. Không thể phủ nhận giá trị của cây cà phê một thời đã cải thiện đáng kể đời sống của người trồng cà phê ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đối với những vùng trồng được cây cà phê thì nông dân đang có xu hướng chuyển đổi nhiều diện tích đất sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn như hồ tiêu, chanh dây, bơ, sầu riêng…

Người trồng cà phê chưa được hưởng lợi trong chuỗi giá trị

Ông Nguyễn Đình Toản (ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông)cho biết gia đình có 2 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm trước, trung bình mỗi năm thu được khoảng 4 tấn cà phê nhân, bán được khoảng 150 triệu đồng. Nhưng thu hái xong phải bán liền – lúc này giá cà phê thường ở mức thấp để trả các khoản phân bón, thuốc trừ sâu và tiền lãi suất đã ứng của các đại lý. “Đối với một gia đình nông dân, nếu có 2 ha đất trồng hồ tiêu thì sẽ giàu, còn gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn vì mỗi năm trừ công cán, dư chẳng được bao nhiêu” – ông Toản cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Quang Dần (ngụ huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), hạn hán kéo dài đã khiến cho 3,3 ha cà phê của gia đình thiệt hại nặng nề. “Nợ ngân hàng và nợ ngoài tổng cộng gần 200 triệu đồng đổ vào vườn cây, không biết bao giờ mới lấy lại được vốn. Tôi đang tính chuyển đổi 1 ha sang trồng hồ tiêu nhưng hiện giờ không có vốn đầu tư” – ông Dần than thở.

Nông dân trồng cà phê trên diện tích tự có điêu đứng một thì nông dân trồng cà phê liên kết, nhận khoán của một số doanh nghiệp (DN) điêu đứng mười. Hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có hàng chục công ty chiếm một diện tích cà phê rất lớn đang liên kết với nông dân. Trong đó, có nhiều DN để nông dân tự đầu tư, chăm sóc và đến vụ thu hàng chục khoản phí. Điều này dẫn đến thực trạng những năm qua, nông dân ở nhiều công ty liên tục kéo lên tỉnh, ra bộ – ngành trung ương khiếu nại, khiếu kiện.

Nâng tầm, cách nào?

Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,78 triệu tấn cà phê nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt trên 3,3 tỉ USD do chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân thô. Tại Đắk Lắk, theo Sở Công Thương tỉnh, năm 2016, tỉnh xuất khẩu 204.000 tấn với kim ngạch 384 triệu USD, tăng 12,3% về sản lượng, 7% về kim ngạch so với năm 2015. Đáng nói, trong số đó chỉ có 4.378 tấn cà phê hòa tan, chiếm chưa đầy 0,022% so với số lượng xuất khẩu. Công ty TNHH MTV XNK Cà phê 2-9 Đắk Lắk, DN xuất khẩu cà phê lớn nhất tỉnh này, năm 2016 xuất khẩu hơn 93.000 tấn cà phê nhưng toàn bộ đều xuất thô.

Tỉnh Đắk Lắk từng có chiến lược nâng cao giá trị hạt cà phê, thành lập Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột với hy vọng cà phê Việt Nam sẽ được bán thẳng ra thế giới với giá thời điểm. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, tháng 3-2015, trung tâm này đã cổ phần hóa thành Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE) với 4 nhà đầu tư. Mục tiêu của BCCE là mọi giao dịch sẽ được kết nối trực tiếp với Sàn giao dịch hàng hóa Liffe (Anh) và Chicago Mercantile Exchange (Mỹ). Khi đó, cà phê Việt Nam sẽ theo sát giá thế giới, xóa bỏ hiện tượng ép giá đối với người sản xuất cà phê cũng như giảm bớt tình trạng bị giới đầu cơ làm giá…

Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều vấn đề, như nhà đầu tư không góp đủ vốn, thiếu hành lang pháp lý, thủ tục giao dịch rườm rà không thu hút được nông dân và DN nên sau gần 10 năm thành lập và chuyển đổi, hiện BCCE gần như không hoạt động. Chiều 9-3, phóng viên tìm tới BCCE chỉ thấy duy nhất nhân viên bảo vệ. Người này cho biết các lãnh đạo ở TP HCM thỉnh thoảng mới lên. Hiện hệ thống nhà kho ở đây cũng đã được cho DN thuê và không giao dịch hàng hóa từ 2 năm nay.

“Chúng tôi đang đề nghị giải thể để trả cơ sở hạ tầng BCCE về cho nhà nước” – ông Võ Đình Đoan, Chánh Văn phòng Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết.

ý kiến

Ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Cà phê 2-9 Đắk Lắk:

Sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu

Trước tình hình biến đổi khí hậu, năm 2016 đơn vị đã phối hợp với nông dân trên vùng nguyên liệu thực hiện thí điểm 20 mô hình tưới nước tiết kiệm tự động nhằm giảm lượng nước tưới và nhân công. Mô hình thực sự đã mang lại hiệu quả về việc chống chọi lại hạn hán. Tuy nhiên, hiện vẫn khó triển khai đại trà vì chi phí hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động khá lớn với mức khoảng 80 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk:

Kêu gọi đầu tư vào chế biến sâu

Đắk Lắk nói riêng và ngành cà phê cả nước nói chung đang rất trăn trở làm sao giá trị hạt cà phê tăng lên. Xuất khẩu thô ở thời điểm được giá nhất cũng chỉ 46.000-47.000 đồng/kg là cao rồi, nông dân đã phấn khởi. Nhưng thực tế, một ly cà phê bán trên thị trường đã có giá bằng 1/3 kg cà phê nhân xô. Thậm chí, 1 kg cà phê nhân xô còn chưa bằng 1 ly cà phê hòa tan của các hãng cà phê có thương hiệu.

Việc chế biến sâu cũng không phải là vấn đề khó song việc kêu gọi đầu tư còn rất hạn chế. Hơn nữa, sau khi chế biến, cà phê cũng chưa chắc đã bán được. Chúng ta xác định sẽ tham gia vào khâu nào ở chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, cung cấp cho người tiêu dùng là vấn đề then chốt. Để có thể chế biến sâu, tránh lãng phí “tài nguyên nhân cà phê xô”, Đắk Lắk đã kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng KCN tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar nhằm kêu gọi đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản nói chung và cà phê nói riêng.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời:

Nhắm vào thị trường trong nước

Khi chúng tôi đầu tư vào ngành cà phê, thách thức lớn nhất là ngành mới, sau đó là tiêu thụ. Chúng tôi đánh giá đây là ngành khó, cơ hội không nhiều vì cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực, đã phát triển nhưng hiện đang trong tình trạng loay hoay. Hiện ngành đã có nhiều DN tham gia, rủi ro khi đầu tư là rất lớn khi thị trường bấp bênh, lệ thuộc vào các thị trường lớn và các sàn giao dịch cà phê trên thế giới. Tuy nhiên, điểm nhấn của cà phê Lộc Trời là được tổ chức sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm không pha trộn và chất lượng riêng biệt. Tập đoàn bắt đầu từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác riêng, xây dựng vùng nguyên liệu ở vùng núi cao để bảo đảm vị ngon. Định hướng của tập đoàn trước mắt nhắm vào thị trường trong nước, nhóm khách hàng khó tính. Hiện cà phê rang xay của Lộc Trời đã được bán thí điểm ở một số kênh phân phối để người tiêu dùng đánh giá chất lượng cũng như đo lường thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Long – chủ hệ thống Shin Coffee (TP HCM):

Cần nhiều thương hiệu tham gia chuỗi liên kết

Hiện tại, hệ thống các thương hiệu cà phê trong nước đa phần sử dụng cà phê Việt nhưng chỉ 2% trong số đó có bao tiêu sản phẩm, đầu tư cho nông dân trồng từ đầu đến cuối. Nhiều quán cà phê thu mua trôi nổi trên thị trường với giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng đã có 1 kg cà phê. Trong khi chúng tôi phải đầu tư cho nông dân trồng từ khi chọn phân hữu cơ đến cách chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu, vì vậy họ bán ra với giá mà chúng tôi thu mua là trên 140.000 đồng/kg. Những nông dân làm việc với chúng tôi rất phấn khởi, nhiều người khác đã liên lạc và cho biết họ cũng muốn được tham gia trồng với chúng tôi nhưng thực tế, chúng tôi chưa có nhu cầu cao như vậy.

Đời sống nhiều nông dân trồng cà phê hiện đã tốt hơn trước nhưng họ cũng phụ thuộc vào thị trường thế giới, bấp bênh chứ không chủ động. Chúng tôi nghĩ cần có nhiều thương hiệu cà phê trong nước tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng sạch, an toàn để gia tăng giá trị cho chính sản phẩm của cà phê trong nước, đồng thời tăng thu nhập, thu hút nông dân đầu tư, sản xuất cà phê ngày càng chất lượng hơn.

Giá bình quân 1 kg cà phê chúng tôi làm ra hiện nay ít nhất là 200.000 đồng, có loại cao cấp phải vài triệu đồng. Nếu nhiều nông dân tham gia trồng và sản xuất cà phê chất lượng như vậy thì thị trường cà phê trong nước sẽ tốt hơn rất nhiều.

Theo Người lao động