Lập nghiệp khó khăn
Quyết định cùng gia đình vào lập nghiệp ở Lâm Hà (Lâm Đồng), anh Dũng đã gắn bó, vất vả với cây cà phê đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, cứ mỗi vụ thu hoạch đến, kinh tế của gia đình anh cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Bởi khi thu hoạch thì giá cả thất thường, câu chuyện được mùa thì mất giá cứ tuần hoàn diễn ra, giá cao nhất anh Dũng cũng chỉ thu được khoàng 40 -50 triệu đồng/vụ. Chưa kể những lúc gia đình anh và các hộ khác trồng cà phê ở đây còn bị thương lái ép giá nên đã khó càng thêm khó.
Đứng trước khó khăn kinh tế của gia đình sau mỗi vụ thu hoạch, anh Dũng suy nghĩ mình cần làm điều gì đó để cải thiện kinh tế gia đình và nhất là làm giàu trên mảnh đất đỏ cao nguyên đã gắn bó hơn 10 mùa mưa nắng. Sau một thời gian tự mày mò học hỏi, nghiên cứu, anh DŨng nhanh chóng nhận ra rằng chỉ có sản xuất cà phê thành phẩm mới đảm bảo được lợi nhuận, tăng thêm thu nhập cho gia đình mình.
Tìm được hướng đi mới, anh Dũng nhanh chóng bắt tay vào sản xuất cà phê thành phẩm để bán ra thị trường. Qua các thông tin về kĩ thuật rang xay cà phê mà mình tìm được trên sách, báo kết hợp với những kinh nghiệm của bản thân anh và mọi người xung quanh đã giúp có những kiến thức ban đầu quan trọng để anh Dũng bắt tay chế biến cà phê thành phẩm.
Bên cạnh đó, với tiêu chí sản phẩm cà phê của mình làm ra phải là cà phê nguyên chất, có hương vị tự nhiên, không sử dụng hóa chất, hương liệu để sản xuất và sản phẩm phải sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Nên khi bắt đầu thực hiện anh gặp rất nhiều những khó khăn để sản xuất ra loại cà phê mà mình mong muốn. Nhưng sau một thời gian vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, anh Dũng ngày càng hoàn thiện hơn sản phẩm cà phê mà mình làm ra với chất lượng và mẫu mã tốt nhất.
“Trái ngọt” thành công
Sản phẩm cà phê thành phẩm đã làm ra nhưng đi đâu để tiêu thụ, ai sẽ đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình trở thành vấn đề lớn với anh Dũng. Để trả lời cho những câu hỏi tìm đầu ra cho sản phẩm anh Dũng phải chạy xe máy từ Lâm Hà đến Đức Trọng, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc… dừng lại ở mỗi quán tạp hóa, mỗi quán cà phê để giới thiệu sản phẩm của mình.
Bằng những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, ban đầu anh chỉ bán được 30-40kg mỗi tháng, dần dần sản lượng cà phê mà anh bán được tăng lên đến 1.200- 2.000kg, đem lại cho gia đình anh lượng thu nhập đáng kế. Đến tháng 4/2013, anh Dũng quyết định gom hết vốn liếng, vay mượn thêm anh em, họ hàng đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị tự động để mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ vậy hiện tại, mỗi tháng gia đình anh bán được trên 3 tấn cà phê bột thành phẩm với giá dao động từ 100-150 ngàn đồng/kg, giúp anh thu về gần 400 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm cà phê của anh Dũng đã được Viện Thực phẩm Việt Nam trao tặng danh hiệu “Cúp vàng Thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng năm 2015”.
Không chỉ giúp kinh tế gia đình mình khấm khá hơn, anh Dũng còn thu mua cà phê cho bà con nông dân trong vùng, với số lượng hàng chục tấn cà phê nhân mỗi năm. Đảm bảo cho hạt cà phê địa phương không bị thương lái ép giá, đồng thời tạo thêm việc làm cho lao động trong vùng. Trong tương lai, anh Dũng dự định xây dựng một gian trưng bày để thu hút du khách và các nhà đầu tư với sản phẩm cà phê thành phẩm, tìm cơ hội đưa thương hiệu cà phê của anh tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa.