Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản rất phong phú với các chủng loại gồm: hàng dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện … Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản đạt 78,1 nghìn tấn với kim ngạch 167,6 triệu USD.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và bán hàng cà phê sang Nhật Bản, bài viết dưới đây xin giới thiệu một số quy định của Nhật Bản liên quan tới mặt hàng này:
Trường hợp không cần kiểm dịch thực vật:
Trường hợp là cà phê hạt chưa rang thì thuộc đối tượng kiểm dịch thực phẩm. Cần xuất trình cho Trạm Bảo vệ thực vật quản lý cảng nhập khẩu các giấy tờ cần thiết như:
Giấy chứng nhận kiểm tra thực vật do cơ quan kiểm dịch của chính phủ nước xuất khẩu cấp (Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, còn gọi là Phytosanitary Certificate), Hóa đơn (Invoice) cùng với “Đơn xin kiểm tra hàng nhập khẩu thực vật / hàng cấm nhập khẩu”.
Nếu phát hiện ra sâu bệnh thì hàng không đạt tiêu chuẩn. Trong trường hợp đó, nếu có thể khử trùng thì sau khi tiến hành khử trùng sẽ phát hành giấy chứng nhận là hàng đạt tiêu chuẩn, và có thể tiến hành làm thủ tục nhập khẩu theo Luật Vệ sinh thực phẩm.
Trường hợp không cần kiểm dịch thực vật Hạt cà phê rang không thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật, vì vậy chỉ cần làm các thủ tục nhập khẩu theo Luật Vệ sinh thực phẩm. Cần nộp cho Trạm kiểm dịch Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Giấy khai báo nhập khẩu thực phẩm, kèm theo Bảng kê thành phần nguyên liệu, Bảng quy trình sản xuất, chế biến và Bảng kê các chất phụ gia. Nếu Trạm kiểm dịch xem xét thẩm tra mà kết quả không có vấn đề gì thì Trạm sẽ đóng dấu “Đã khai báo” vào Giấy khai báo nhập khẩu và có thể tiến hành làm thủ tục thông quan.
Trong Luật Vệ sinh thực phẩm có quy định thông số tiêu chuẩn của dư lượng hóa chất nông nghiệp, coi như quy cách thành phần của cà phê hạt. Lần đầu tiên nhập khẩu cà phê hạt, Trạm kiểm dịch sẽ hướng dẫn người nhập khẩu cách tự kiểm tra về dư lượng hóa chất nông nghiệp, vì thế bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi nhập khẩu về tình hình sử dụng hóa chất nông nghiệp ở nơi sản xuất, đồng thời nên tham vấn ý kiến của Trạm kiểm dịch và các cơ quan kiểm tra mà bạn sẽ đề nghị kiểm tra.
Yêu cầu dán nhãn khi bán hàng:
Khi bán cà phê thông thường đựng trong hộp hay bao gói cần bắt buộc ghi nhãn theo Luật Vệ sinh thực phẩm và Tiêu chuẩn nhãn mác chất lượng của Luật JAS. Ngoài ra, cà phê hạt sản xuất theo quy cách hữu cơ JAS của những nhà kinh doanh đã được Cơ quan có thẩm quyền công nhận thì có thể dán nhãn Hữu cơ JAS.
Đối với hàng thực phẩm dán nhãn hữu cơ:
Không thể để nguyên nhãn “organic” của nước ngoài để bán ở Nhật được. Đối với hàng nông sản và thực phẩm chế biến từ nông sản, nếu không phải là hàng đạt quy cách hữu cơ JAS thì không thể dán nhãn “hữu cơ” hay “organic” được.
Theo hệ thống chứng nhận hữu cơ JAS, chỉ những nhà kinh doanh nào nhận được giấy chứng nhận về phương pháp sản xuất hoặc chế biến thì mới được gắn vào hàng thực phẩm nông sản hoặc hàng thực phẩm nông sản chế biến nhãn “Hữu cơ JAS” và cho lưu thông.
Khi dán nhãn nhãn “Hữu cơ JAS” vào thực phẩm của nước ngoài có 2 cách sau:
(1) Nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài nhận được chứng nhận JAS từ cơ quan chứng nhận có thẩm quyền đã đăng ký trong nước Nhật Bản hoặc từ cơ quan chứng nhận có thẩm quyền đã đăng ký ở nước ngoài gắn mác hữu cơ JAS vào sản phẩm hữu cơ đã sản xuất, chế tạo và cho lưu thông.
(2) Nhà nhập khẩu nhận được giấy chứng nhận JAS từ cơ quan chứng nhận có thẩm quyền đã đăng ký trong nước Nhật Bản gắn mác hữu cơ JAS và cho lưu thông.
Điều kiện tiên quyết là phải xuất trình kèm theo giấy chứng nhận bản gốc hoặc bản sao cấp bởi Cơ quan Chính phủ của nước được cho là có hệ thống đánh giá ở mức độ tương đương với hệ thống đánh giá theo quy cách hàng nông lâm sản của Nhật Bản. Tính đến tháng 4 năm 2012, liên quan đến hàng nông sản hữu cơ đã có các nước và khu vực sau đây ban hành Thông tư cấp Bộ tương đương với Điều 15, Khoản 2 của Luật JAS, đó là: 27 nước thuộc khối EU, Úc, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Achentina, New Zilân và Thụy Sỹ.
Ngoài ra “Quy tắc cạnh tranh bình đẳng cho các nhãn Regular Coffee, Instant Coffee” đã được ban hành như một tiêu chuẩn tự nguyện của giới kinh doanh ngành hàng này.