THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Biến động giá
Chỉ số giá cà phê tổng hợp của ICO tiếp tục giảm, bình quân tháng 11/2023 đạt 3.548 USD/tấn, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. [1]
Tháng 11/2023, giá các loại cà phê đều tăng so với tháng 10/2023. Cụ thể, giá cà phê Arabica Brazil đạt 3.720 USD/tấn, tăng 8,5% so với tháng trước, giá cà phê Arabica khác đạt 4.350 USD/tấn, tăng 7,3%, và giá cà phê Arabica Colombia đạt 4.366 USD/tấn, tăng 5,8%. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, giá cà phê Arabica Colombia giảm 11,9%, và Arabica khác giảm 7,7% . Ngược lại giá cà phê Arabica Brazil tăng 1,3%. [1]
Tháng 11/2023, Giá cà phê Robusta tiếp tục có xu hướng tăng trở lại đạt 2.671 USD/tấn, tăng 1,9% so với tháng 10/2023, và tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 11/2023, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 1/2024 tại thị trường London đạt 2.605 USD/tấn, tăng 6,5% so với tháng 10/2023 và tăng 41,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá cao nhất trong tháng đạt 2.741 USD/tấn, giá thấp nhất trong tháng là 2.491 USD/tấn. [2]
Tại thị trường New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3/2024 bình quân đạt 3.810 USD/tấn, tăng 11% so với tháng trước và 4,5% so với tháng 11/2022. Giá cao nhất trong tháng đạt 4.072 USD/tấn, giá thấp nhất trong tháng là 3.523. USD/tấn. [2]
Giá cà phê Arabica tăng trong tháng 11/2013 do tồn kho giảm sâu, thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Tính đến hết ngày 30/11/2023, tồn kho cà phê Arabica tại thị trường New York đạt 224,1 nghìn bao, mức thấp nhất kể từ tháng 3/1999. [3]
Giá cà phê Robusta tăng do lo ngại thiếu nguồn cung khi báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung sụt giảm từ các nước sản xuất chính tại Đông Nam Á. [4]
Xuất khẩu
Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), niên vụ 2022/2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023) sản lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu đạt 122,99 triệu bao, giảm 5,6% so với niên vụ trước.
Niên vụ 2022/2023 sản lượng xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 110,8 triệu bao, chiếm 90,3% tổng sản lượng, giảm 5,5% so với niên vụ 2021/2022. Sản lượng xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 11,5 triệu bao, chiếm 9,1%, giảm 5,7%. Sản lượng xuất khẩu cà phê rang đạt 0,7 triệu bao, chiếm 0,6%, và giảm 16%. [5]
Trong các loại cà phê nhân xanh xuất khẩu, sản lượng cà phê Arabica Brazil đạt 34,2 triệu bao, giảm 8,5%; cà phê Arabica Colombia đạt 10,8 triệu bao, giảm 11,2%; cà phê Arabica khác đạt 22,1 triệu bao, giảm 12,1%; cà phê Robusta đạt 43,8 triệu bao, tăng 2,6% Tính riêng tháng 9/2023, xuất khẩu tất cả các nhóm cà phê đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái gồm Arabica Brazil giảm 13,4%, Arabica Colombia giảm 6,7%, Arabica khác giảm 13,1%, và Robusta giảm 13,6%. Theo ICO, xuất khẩu cà phê xanh toàn cầu giảm do (1) nhu cầu người tiêu dùng thấp, (2) khó khăn trong logistic, và chuỗi cung ứng. [5]
Tình hình xuất khẩu cà phê nhân xanh niên vụ 2022/2023 theo chủng loại
Niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh Arabica toàn cầu đạt hơn 67 triệu bao, giảm 10,1% so với 74,6 triệu bao của niên vụ 2021-2022. Xuất khẩu cà phê nhân xanh Arabica giảm do các nước tăng sử dụng hàng tồn kho và nhu cầu tiêu dùng giảm. Ngoài ra, người tiêu dùng đang có xu thế sử dụng cà phê Robusta thay cà phê Arabica. Thời tiết bất lợi dẫn tới sản lượng cà phê Arabica của các nước xuất khẩu chính giảm cũng là nguyên nhân dẫn đến khối lượng xuất khẩu Arabica giảm trong niên vụ này. [5]
Xuất khẩu cà phê Robusta tăng 2,6% trong niên vụ 2022-2023 lên gần 43,8 triệu bao so với 42,7 triệu bao của niên vụ 2021-2022. Robusta là loại cà phê duy nhất có mức tăng trưởng tích cực trong niên vụ này, do được người tiêu dùng chuyển sang sử dụng cà phê Robusta do có giá rẻ hơn cà phê Arabica. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê Robusta đang có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây. Tháng 9/2023, sản lượng cà phê Robusta xuất khẩu đạt 2,7 triệu bao, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2022, đây là khối lượng xuất khẩu/tháng thấp nhất kể từ năm 2012, nguyên nhân do khối lượng xuất khẩu từ Việt Nam giảm. [5]
Tình hình xuất khẩu cà phê theo các khu vực
Khu vực Nam Mỹ, niên vụ 2022/2023, Nam Mỹ vẫn duy trì là khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đạt 50,6 triệu bao, giảm 3,4%. Cà phê Arabica là loại cà phê xuất khẩu chính của khu vực này, chiếm 92,3% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê khu vực Nam Mỹ giảm do nhu cầu tiêu thụ cà phê Arabica giảm. [5]
Brazil và Colombia là hai quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất của khu vực này trong niên vụ 2022-2023, sản lượng xuất khẩu giảm lần lượt là 7,9, và 12,8% so với niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê Braxil và Colombia giảm do ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến nguồn cung trong nước giảm. [5]
Khu vực châu Á và châu Đại Dương, niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê của khu vực này đạt 43,56 triệu bao, giảm 0,9% so với niên vụ trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu của cà phê Robusta chiếm 89,1% tổng sản lượng xuất khẩu cà phê của khu vực này. Xuất khẩu cà phê châu Á và châu Đại Dương trong niên vụ 2022/2023 có mức giảm thấp nhất trong các khu vực xuất khẩu cà phê trên thế giới do nhu cầu cà phê Robusta trên thế giới tăng. [5]
Khu vực Trung Mỹ và Mexico, niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê của khu vực này đạt 15,3 triệu bao, giảm 3,1% so với niên vụ trước. Nguyên nhân do sản lượng xuất khẩu cảu các quốc gia chính trong khu vực giảm. Cụ thể, sản lượng cà phê xuất khẩu của Guatemala, Mexico, và Honduras giảm lần lượt 11,5%, 16,5%, và 13,5% so với niên vụ 2021/2022. [3]
Khu vực châu Phi, niên vụ 2022/2023, xuất khẩu cà phê của khu vực này đạt 13,5 triệu bao, giảm 3,1% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu đã tăng trưởng khá tích cực trong quý cuối cùng của niên vụ do quốc gia sản xuất chính trong khu vực là Uganda đã tận dụng tốt cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu cà phê Robusta khi nguồn cung loại cà phê này của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm. [5]
Nhập khẩu
Tháng 9/2023, Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản là 3 nước nhập khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới.
- Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu cà phê với 673,91 triệu USD, giảm 17,7% so với tháng trước, và giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước. [6]
- Đức ở vị trí thứ 2 với 426,53 triệu USD, tăng 5,7% so với tháng trước nhưng giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. [6]
- Pháp là nước nhập khẩu cà phê thứ 3 thế giới, đạt 229,30 triệu USD, giảm 5,1% so với tháng trước nhưng tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. [6]
Tình hình sản xuất
Thị trường cà phê thế giới đã bắt đầu niên vụ 2023/2024 từ tháng 10/2023 nhưng nguồn cung chưa có nhiều cải thiện do một số nước mới bắt đầu vào vụ thu hoạch mới. Ngân hàng Rabobank ước tính sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2023 – 2024 sẽ đạt 172,6 triệu bao, gần ngang bằng với dự báo về nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng niên vụ 2023-2024 có thể lên đến 174,3 triệu bao, xuất khẩu 122,2 triệu bao, tiêu thụ 170,2 triệu bao và tồn kho cuối vụ ở mức 31,8 triệu bao.
USDA dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 của một số quốc gia trên thế giới như sau:
- Sản lượng cà phê xanh Colombia niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 9/2023 đến tháng 10/2024) dự báo đạt 11,5 triệu bao (60kg/bao), tăng 7,5% so với niên vụ trước, do lượng mưa giảm 10%-30% ở một số vùng trồng và nhiệt độ cao hơn tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển. Xuất khẩu cà phê xanh ước đạt 12 triệu bao. Để đáp ứng nhu cầu nội địa, Colombia sẽ nhập khẩu khoảng 2,5 triệu bao cà phê xanh, chủ yếu từ Brazil do giá rẻ hơn. [7]
- Sản lượng cà phê từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 3 năm 2024 của Indonesia đạt 9,7 triệu bao, giảm 18,14% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cà phê cà phê Arabica đạt 1,3 triệu bao, giảm 3,7%; sản lượng cà phê Robusta đạt 8,4 triệu bao, giảm 20%. Nguyên nhân sản lượng cà phê Indonesia được dự báo giảm do thời tiết không thuận lợi tác động đến sự phát triển của cây cà phê. Năng xuất cà phê bình quân của quốc gia này đạt 700 đến 1.000 kg/ha. [8]
+ Sản lượng cà phê Ấn Độ niên vụ 2023-2024 (từ tháng 9-2023 đến tháng 10-2024) đạt 5,95 triệu bao (bao 60 kg), tăng 2,41% so với niên vụ trước. Trong đó, cà phê Arabica đạt 1,42 triệu bao, chiếm 24% tổng sản lượng cà phê của nước này, giảm 14,82% so với niên vụ trước; cà phê Robusta đặt 4,53 triệu bao, chiếm 76%, tăng 7,86%. USDA ước tính năng xuất cà phê Arabica trung bình đạt 416 kg/ha, và năng xuất cà phê Robusta đạt 1.187kg/ha. [9]
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Biến động giá
Trong tháng 11/2023, giá cà phê Robusta đại lý thu mua tại khu vực Tây Nguyên có xu hướng giảm so với tháng trước. Trong đó, giá cà phê thu mua trung bình trong tháng tại Đắk Lắk là 58.452 đồng/kg, giảm 6,4% so với tháng trước nhưng tăng 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê thu mua tại đại lý ở Lâm Đồng trung bình là 57.711 đồng/kg, giảm 6,7% so với tháng trước nhưng tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2022. [10]
Xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 43,72 nghìn tấn, trị giá 157,55 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 6,6% về giá trị so với tháng 9/2023. So với tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 48,8% về khối lượng và giảm 28,0% về trị giá. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, trị giá 3,28 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 3.603 USD/tấn, tăng 8,9% so với tháng 9/2023 và tăng 40,7% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.535 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.
10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Bỉ giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường An-giê-ri, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Về loại cà phê xuất khẩu
Tháng 10 và 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến tăng.
Cà phê Robusta: Tháng 10/2023, xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 27,2 nghìn tấn, trị giá 66,86 triệu USD, giảm 61,6% về lượng và giảm 54,4% về giá trị so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu chủ lực cà phê Robusta của Việt Nam gồm: Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga … Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Mê-hi-cô, Hà Lan, In-đô-nê-xi-a … tăng mạnh. [11]
Cà phê Arabica: Tháng 10/2023, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 900 tấn, trị giá 2,96 triệu USD, giảm 64,6% về lượng và giảm 73,5% về giá trị so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 35,5 nghìn tấn, trị giá 139,75 triệu USD, giảm 28,6% về lượng và giảm 36,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Arabica sang các thị trường Bỉ, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan. [11]
Gia Lai: Năm 2023, diện tích cà phê tỉnh Gia Lai đạt 98 nghìn ha. Trong đó, diện tích cà phê cho thu hoạch l87 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang. Hiện tại, Gia Lai đang vào vụ thu hoạch cà phê. Theo các hộ dân, mặc dù giá cà phê tăng cao khoảng 12.000 VNĐ/kg nhưng lợi nhuận thu về không được như kỳ vọng do năng suất giảm, đạt khoảng hơn 10 tấn tươi/ha. [12]
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chính quyền và ngành nông nghiệp Gia Lai đang tăng cường khuyến cáo, tổ chức giám sát ngay từ khâu thu hoạch đảm bảo quả chín đạt tỷ lệ trên 80%. Thực tế cho thấy, các hộ vẫn thu hoạch cà phê khi chưa đảm bảo tỷ lệ khuyến cáo, tỷ lệ hạt xanh còn cao dẫn tới giảm chất lượng cà phê xuất khẩu. Nguyên nhân của vấn đề này chủ yếu xuất phát từ doanh nghiệp và thương lái thu mua hai loại cà phê này với giá không chênh lệch nhau quá nhiều. Điều này, không đủ sức khuyến khích nông dân trồng cà phê thu hái quả chín đạt tỷ lệ theo khuyến cáo để đảm bảo chất lượng cà phê. [12]
Quảng Trị: Diện tích trồng cà phê của Quảng Trị đạt 3,7 nghìn ha, chủ yếu là cà phê Arabica. Trong đó, diện tích cà phê chất lượng cao, đặc sản là 145 ha. Sản lượng cà phê của tỉnh đạt khoảng 4,4 nghìn tấn/năm, nhưng sản lượng cà phê xuất khẩu chỉ khoảng 100 tấn/năm. Sản xuất cà phê tại Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn như năng xuất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, diện tích cà phê có chứng nhận tiêu chuẩn xuất khẩu ít, thiếu liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người dân. [13]
Đắk Lắk: Vụ mùa thu hoạch cà phê năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra thuận lợi. Giá cà phê tăng cao, mang lại niềm vui cho người dân trồng cà phê. Niên vụ 2023 - 2024, toàn tỉnh có khoảng 213.000 ha cà phê, với sản lượng ước đạt 558.730 tấn. Trong đó, huyện Krông Năng có khoảng 23.000 ha cà phê, với sản lượng ước đạt 69.000 tấn. Người dân trồng cà phê ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng vườn cây bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, năng suất cà phê duy trì ổn định ở mức 3 tấn/ha. Dự báo, vụ mùa thu hoạch cà phê năm 2023 - 2024 sẽ diễn ra thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. [14]
Lâm Đồng: Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO vừa cấp Chứng nhận cho 50 ha cà phê Arabica tại thôn Tu Poh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương đạt tiêu chuẩn TCVN 11041 – 2: 2017, phù hợp quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với thời hạn 2 năm. Diện tích cà phê hữu cơ này do Công ty TNHH Daisy International liên kết với khoảng 60 nông hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại buôn làng Tu Poh, canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững 4C, UTZ, Rainforest…, với sản lượng khoảng 350 tấn/năm. [15]
Nguồn tham khảo
[1] Tổ chức cà phê Thế giới (ICO)
[2] https://www.investing.com/
[3] Báo Kinh tế Việt Nam
[4] Giacaphe.com
[5] Tổ chức cà phê Thế giới (ICO)
[6] trademap.org
[7] Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ
[8] iandmsmith.com
[9] iandmsmith.com
[10] Cộng tác viên khu vực Tây Nguyên
[11] Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương
[12] Nongnghiep.vn
[13] Nongnghiep.vn
[14] Báo Đắk Lắk
[15] Báo Lâm Đồng