THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Biến động giá
Chỉ số giá cà phê tổng hợp của ICO tiếp tục giảm, bình quân tháng 10/2023 đạt 3.350 USD/tấn, giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2022.[1]
Giá trung bình đối với các nhóm cà phê khác có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 10/2023. So với tháng trước, giá cà phê Arabica Brazil tăng mạnh nhất, tăng 0,9% đạt bình quân 3.429 USD/tấn. Giá cà phê Arabica Colombia bình quân đạt 4.100 USD/tấn, tăng 0,5%, giá cà phê Arabica khác đạt 4.055 USD/tấn, tăng 0,2%. [1]
Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, giá cà phê Arabica giảm mạnh. Trong đó, giá cà phê Arabica Colombia giảm 29%, Arabica các quốc gia khác giảm 23,4% và Arabica Brazil giảm 19,1%. [1]
Giá cà phê Robusta tiếp tục có xu hướng giảm từ tháng trước, giá cà phê Robusta trung bình đạt 2.620 USD/tấn, giảm 4,1% so với tháng 9/2023, nhưng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 10/2023, giá cà phê Arabica bình quân kỳ hạn tháng 12/2023 trên sàn New York đạt 3.415 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng trước nhưng giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 12/2023 trên sàn London ở mức 2.439 USD/tấn, giảm 5,7% so với tháng 9/2023, nhưng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. [2]
Sự suy yếu của kinh tế toàn cầu cùng với lạm phát khiến nhu cầu cà phê arabica, loại cà phê có giá bán đắt hơn, giảm sút. Thay vào đó, xu hướng nhu cầu chuyển dịch sang cà phê robusta, loại cà phê có vị đắng hơn, hàm lượng cafein cao hơn và giá rẻ hơn nhiều so với arabica. Trước đó, robusta thường được sử dụng cho sản xuất cà phê hoà tan. Tuy nhiên, trong năm 2023, hạt robusta còn được dùng để phối trộn với arabica trong cà phê rang xay để tiết kiệm chi phí. Nhu cầu robusta tăng nhưng nguồn cung giảm mạnh, đặc biệt là tại Việt Nam, quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới. Nguyên nhân đến hiện tượng thời tiết xấu khiến sản lượng bị giảm sút. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch sang cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế cao hơn cũng khiến diện tích bị thu hẹp.
Xuất khẩu
Theo Tổ chức cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8/2023 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,3 triệu bao. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023, xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn giảm 5,1% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 114 triệu bao. [3]
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm 91% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 8, đạt gần 9,4 triệu bao, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tính từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 102,9 triệu bao, giảm 5% so với niên vụ trước.
Trong tháng 8, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Brazil tăng 10,2% lên gần 3,1 triệu bao. Brazil, nước xuất khẩu chính của nhóm này, đã ghi nhận mức tăng 27,6% lên 3,3 triệu bao. Tuy nhiên, tính từ đầu niên vụ đến nay, xuất khẩu nhóm cà phê Arabica Brazil vẫn giảm 8%, đạt 31,5 triệu bao. [3]
Xuất khẩu Arabica Colombia giảm 2,1% xuống 0,8 triệu bao trong tháng 8, chủ yếu do Colombia giảm 5,6%. Xuất khẩu arabica Colombia trong 11 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 giảm 12,5%, đạt 9,9 triệu bao. Xuất khẩu nhóm Arabica khác cũng giảm 9,7% trong tháng 8 và giảm 12,2% trong 11 tháng đầu niên vụ, đạt 20,5 triệu bao. [3]
Tỷ trọng của Arabica trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu trong 11 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 giảm xuống còn 60,1%, so với 63,7% của cùng kỳ. Tỷ trọng của Robusta tăng từ 36,3% lên 39,9%. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng xuất khẩu cà phê Arabica trên thế giới do nguồn cung cấp của các quốc gia sản xuất hàng đầu như Colombia, Brazil và Indonesia đều giảm trong niên vụ 2022 - 2023. Theo ICO, sản lượng cà phê Arabica của Colombia, Brazil và Indonesia đều giảm trong niên vụ này. [3]
- Colombia: Sản lượng cà phê Arabica của Colombia giảm 12,5% trong niên vụ 2022 - 2023, xuống còn 8,8 triệu bao. Nguyên nhân chính là do bệnh gỉ sắt, một loại bệnh nấm gây hại cho cây cà phê.
- Brazil: Sản lượng cà phê Arabica của Brazil giảm 8% trong niên vụ 2022 - 2023, xuống còn 31,5 triệu bao. Nguyên nhân chính là do thời tiết khô hạn trong giai đoạn đầu của niên vụ.
- Indonesia: Sản lượng cà phê Arabica của Indonesia giảm 10% trong niên vụ 2022 - 2023, xuống còn 10,2 triệu bao. Nguyên nhân chính là do hạn hán và sâu bệnh.
Đối với cà phê Robusta, xuất khẩu cà phê Robusta tăng 7,3% lên 3,5 triệu bao trong tháng 8, đánh dấu tháng tăng trưởng dương thứ năm liên tiếp. Nhờ đó, xuất khẩu nhóm cà phê này trong 11 tháng đầu niên vụ đã tăng 4,2% so với cùng kỳ lên 40,9 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 4,6% trong tháng 8 và giảm 5,7% sau 11 tháng đầu niên vụ, xuống còn 10,4 triệu bao. Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với 0,3 triệu bao trong tháng 8. Cà phê hòa tan chiếm 8,6% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, giảm so với mức tỷ trọng 9,2% của cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê đã rang giảm tới 39,9% trong tháng 8 xuống còn 58.226 bao. Lũy kế từ đầu niên vụ đến nay xuất khẩu mặt hàng này đạt 0,7 triệu bao, giảm so với 0,8 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. [3]
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Robusta tăng tới 11,6% lên 3,6 triệu bao trong tháng 7, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Tính chung 10 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023, xuất khẩu nhóm cà phê này đã tăng 3,8% so với niên vụ trước lên 37,4 triệu bao.
Tỷ trọng của cà phê Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu theo đó tăng lên mức 40,1% so với 36,4% của cùng kỳ niên vụ trước. Trái lại, tỷ trọng của Arabica giảm xuống còn gần 60% so với 63,6% của cùng kỳ. [3]
Với các dạng cà phê khác, xuất khẩu cà phê hòa tan đã giảm 16,6% trong tháng 7 và giảm 5,7% trong 10 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023, đạt tổng cộng 9,6 triệu bao. Cà phê hòa tan chiếm 9,2% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với 0,3 triệu bao trong tháng 7. [3]
Xuất khẩu cà phê đã rang cũng giảm 12,7% trong tháng 7 và giảm 10,4% trong 10 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 xuống còn 0,6 triệu bao. [3]
Tình hình xuất khẩu cà phê của các nhà sản xuất lớn cập nhật như sau:
Khu vực Nam Mỹ, Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê các loại của khu vực Nam Mỹ tăng 13% lên gần 5 triệu bao. Đây là tốc độ tăng trưởng tích cực đầu tiên của khu vực kể từ mức tăng 0,3% vào tháng 6/2022. Đà tăng này chủ yếu đến từ Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đã xuất khẩu gần 3,7 triệu bao trong tháng 8, tăng tới 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu Robusta tăng đột biến 388,1% lên mức kỷ lục 0,7 triệu bao. Nước sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất Nam Mỹ đã tận dụng khá tốt cơ hội từ thị trường khi khối lượng cà phê robusta từ Việt Nam đang giảm dần về cuối vụ. Còn trên bình diện toàn cầu, Brazil là nước xuất khẩu Robusta lớn thứ năm thế giới trong niên vụ 2021 - 2022 với 1,87 triệu bao, xếp sau Việt Nam (25,44 triệu bao), Uganda (4,9 triệu bao), Ấn Độ (4,3 triệu bao) và Indonesia (4,03 triệu bao). Tuy nhiên, trong tháng 8/2023 xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil chỉ đứng sau Việt Nam (1,34 triệu bao) với khối lượng tương đương con số xuất khẩu trung bình trong 4 tháng rưỡi của niên vụ 2021 - 2022. [3]
Tại Châu Phi, Xuất khẩu cà phê từ Châu Phi cũng ghi nhận mức tăng 10,9% trong tháng 8 lên gần 1,4 triệu bao. Trong 11 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu đạt tổng cộng 10,8 triệu bao giảm 1,5% so với niên vụ trước. Đây đã là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp của khu vực khi mà nhu cầu toàn cầu tiếp tục tăng đối với Robusta. Cũng giống như khu vực Nam Mỹ, các quốc gia Châu Phi đã hưởng lợi từ khối lượng xuất khẩu giảm ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là Việt Nam. [3]
Uganda, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất Châu Phi, đã tận dụng cơ hội để lấp đầy khoảng trống trên thị trường mà Việt Nam để lại, với khối lượng xuất khẩu tăng tới 48,4% lên hơn 0,7 triệu bao trong tháng 8, mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 3/1973. [3]
Khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu của khu vực giảm 2% trong tháng 8 và giảm 2,6% trong 11 tháng đầu niên vụ, đạt 14,6 triệu bao. Theo đó, xuất khẩu của Honduras và Nicaragua tăng tổng cộng 37,2% trong tháng 8, trong khi ba quốc gia khác là Costa Rica, Guatemala và Mexico lại giảm tổng cộng 20,5%. Honduras và Nicaragua đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trong khu vực khi giá xuất khẩu trung bình Arabica của hai nước này chỉ khoảng 157 US cent/pound trong niên vụ 2017 - 2018 đến 2021 - 2022, thấp hơn 63 US cent/pound so với mức 220 US cent/pound của các nước khác (trừ Cuba, Haiti và Jamaica). [3]
Khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm khá mạnh 14,9% xuống còn 2,7 triệu bao trong tháng 8, nhưng lại tăng 1,3% lên 41,28 triệu bao trong 11 tháng đầu năm cà phê 2022 - 2023. Trong tháng 8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam - nước sản xuất lớn nhất trong khu vực đã giảm 23,6%, xuống còn 1,4 triệu bao so với gần 2 triệu bao của cùng kỳ. Đây là tháng xuất khẩu thấp nhất trong tháng 8 kể năm 2012. Sự sụt giảm này của Việt Nam có thể là do nguồn cung sẵn có cạn kiệt. Trong 10 tháng đầu niên vụ hiện tại (từ tháng 10 đến tháng 7/2023) Việt Nam đã xuất khẩu gần 26 triệu bao cà phê, cao hơn 3,3% so với cùng kỳ niên vụ 2017 - 2018, niên vụ xuất khẩu kỷ lục của nước này. [3]
Tháng 8/2023, Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản là 3 nước nhập khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới.
- Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu cà phê với 858,46 triệu USD, giảm 0,8% so với tháng trước, và giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước. [4]
- Đức ở vị trí thứ 2 với 428,80 triệu USD, giảm 10,6 % so với tháng trước, và giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước. [4]
- Pháp là nước nhập khẩu cà phê thứ 3 thế giới, đạt 294,34 triệu USD, giảm 6,5% so với tháng trước, nhưng tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2022. [4]
Tình hình sản xuất
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), sản lượng cà phê thế giới giảm 1,4% xuống 168,5 triệu bao trong niên vụ 2021 - 2022, do điều kiện khí tượng tiêu cực ở một số nơi và chu kỳ sản lượng đi xuống 2 năm 1 lần. Tuy nhiên, dự kiến sản lượng sẽ tăng trở lại 1,7% lên 171,3 triệu bao vào niên vụ 2022 - 2023.
Chi phí phân bón toàn cầu tăng và điều kiện thời tiết bất lợi đã cản trở đà phục hồi sản lượng của niên vụ 2022 - 2023. Sản lượng cà phê Arabica dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong năm cà phê 2022 - 2023, sau khi giảm 7,2% trong năm cà phê trước đó. Tỷ trọng của cà phê Arabica trong tổng sản lượng cà phê dự kiến sẽ tăng lên 57,5% từ mức 55,9% vào năm ngoái. [5]
Nam Mỹ đang và sẽ vẫn là khu vực sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, mặc dù phải chịu sự sụt giảm sản lượng lớn nhất trong gần 20 năm, giảm 7,6% trong niên vụ 2021 - 2022.
Giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 và 2023, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về chi phí sinh hoạt, sẽ có tác động đến mức tiêu thụ cà phê cho năm cà phê 2022 - 2023. Dự kiến nhu cầu sẽ vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm lại ở mức 1,7% lên 178,5 triệu bao. Sự giảm tốc toàn cầu dự kiến sẽ đến từ các quốc gia không sản xuất, trong đó tiêu thụ cà phê của Châu Âu được dự đoán sẽ giảm mạnh nhất giữa tất cả các khu vực, với tốc độ tăng trưởng giảm xuống 0,1% trong năm cà phê 2022 - 2023 từ mức 6% mở rộng trong năm cà phê 2021 - 2022. [5]
Do đó, thị trường cà phê thế giới dự kiến sẽ thâm hụt nguồn cung thêm một năm nữa, ở mức 7,3 triệu bao.
Tính đến cuối tháng 9, tồn kho cà phê trên hai sàn giao dịch biến động trái chiều, với Robusta chứng nhận trên sàn London tăng 25,7% lên 0,73 triệu bao (loại 60 kg/bao), trong khi tồn kho Arabica trên sàn New York giảm 13,8% xuống 0,49 triệu bao. [5]
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Biến động giá
Trong tháng 10/2023, giá cà phê Robusta đại lý thu mua tại khu vực Tây Nguyên biến động tăng mạnh so với tháng trước. Trong đó, giá cà phê thu mua trung bình trong tháng tại Đắk Lắk là 66.492 đồng/kg, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 48,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê thu mua tại đại lý ở Lâm Đồng trung bình là 65.850 đồng/kg, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. [6]
Xuất khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của của Việt Nam trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng trở lại đây với khối lượng đạt 50.967 tấn, trị giá 168,7 triệu USD, giảm 48,2% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong quý III, xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 246.051 tấn với trị giá 738,9 triệu USD, giảm 24,9% về lượng và 4,1% về trị giá so với cùng kỳ, do nguồn cung không còn nhiều. Như vậy, kết thúc niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021 - 2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. [7]
Trong niên vụ 2022 - 2023, giá xuất khẩu trung bình cà phê của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 8,2% so với niên vụ trước. Tính riêng tháng 9, giá xuất khẩu cà phê tăng tháng thứ 7 liên tiếp lên mức kỷ lục mới là 3.310 USD/tấn, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 36 % (tương ứng 878 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2022. [7]
Về thị trường tiêu thụ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng đạt 615.364 tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD, giảm 7,1% về lượng và 0,3% về trị giá so với niên vụ trước. Thị trường này chiếm 37% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khối EU, xuất khẩu sang Đức đạt 203.317 tấn (-5,9%), Italy đạt 146.684 tấn (+6%), Tây Ban Nha và Bỉ giảm lần lượt 13,1% và 42,7%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Mỹ tăng 4,7% lên 132.471 tấn, chiếm 8% thị phần. Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang Algeria tăng 32,9%, Trung Quốc tăng 3,7%, Hàn Quốc tăng 17,1%, Mexico tăng 81,2%, đặc biệt Indonesia tăng tới 130,2%. [7]
Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hướng đến mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030. Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đã tăng tới 24,3% lên hơn 531 triệu USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước so với 15% của cùng kỳ. [7]
Các thị trường tiêu thụ cà phê chế biến hàng đầu của Việt Nam như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… đều đẩy mạnh nhập khẩu trong 8 tháng qua. Còn với các cà phê nhân, kim ngạch xuất khẩu Robusta tăng nhẹ 2,4% lên gần 2,3 tỷ USD, trong khi Arabica giảm 34,7% xuống còn 132,7 triệu USD.
Sản xuất trong nước
Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La, với diện tích hơn 20.700 ha, sản lượng bình quân hằng năm trên 32.400 tấn cà phê nhân. Diện tích cà phê của tỉnh Sơn La chỉ chiếm 2,8% diện tích của cả nước, nhưng diện tích cà phê chè (Arabica) của tỉnh lại chiếm 50,34% diện tích cả nước. [8]
Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025, duy trì và phát triển ổn định 3.000 ha cà phê, sản lượng từ 6.000 - 6.500 tấn cà phê nhân được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững phục vụ xuất khẩu; hằng năm xuất khẩu từ 9.000 - 11.000 tấn cà phê nhân. [8]
Tỉnh Sơn La hướng đến mục tiêu phái triển cà phê bền vững với các giải pháp: (1) Tái canh diện tích cà phê già cỗi bằng giống mới, chất lượng cao. (2) Phát triển cà phê đặc sản, gắn với các sản phẩm OCOP. (3) Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê. [8]
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cà phê Robusta là cây trồng chủ lực của tỉnh Lâm Đồng, với diện tích gần 160 ngàn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 560 ngàn tấn. Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng là phát triển bền vững cây cà phê, giữ diện tích 170 ngàn ha vào năm 2025, trong đó diện tích cà phê Robusta 150 ngàn ha với năng suất 3,5 tấn/ha và tổng sản lượng vào khoảng 550 ngàn tấn. [9]
Tỉnh Lâm Đồng đang triển khai mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô gần 2 ngàn ha. Trong đó bao gồm, 470 ha tại xã Hòa Bắc (huyện Di Linh), 370 ha tại xã Đinh Lạc (huyện Di Linh), 900 ha tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương và huyện Bảo Lâm. [9]
Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới và trong nước đang có xu hướng tăng cao, tạo cơ hội cho người trồng cà phê và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê. [9]
Để tận dụng cơ hội này, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của cà phê Robusta, bao gồm: (1) Tăng cường tái canh, ghép cải tạo cà phê với giống năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh gỉ sắt. (2) Phát triển mô hình cà phê ứng dụng công nghệ cao. (3) Thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. [9]
Tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê Arabica. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 20.000 ha cà phê, chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước. Trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương. Sản lượng cà phê đạt trên 204.000 tấn quả tươi, giá trị thu từ bán sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. [10]
Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. [10]
Hai vùng cà phê của tỉnh Sơn La đã được UBND tỉnh công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La đã được cấp bảo hộ. Sản phẩm cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước.
Diện tích cà phê tại tỉnh Đắk Lắk khoảng 210.000 ha, hàng năm tỉnh thu hoạch hơn 520.000 tấn cà phê, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của địa phương đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. [11]
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk đạt 1,586 tỷ USD, trong đó riêng cà phê đạt hơn 819 triệu USD, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu. Giá tăng cao là tin vui đối với người nông dân đang bám trụ, khai thác nguồn lợi từ cây cà phê trên địa bàn, nhất là trong thời điểm chính vụ năm 2023 đang đến rất gần. [11]
Nguồn tham khảo
[1] Hiệp hội Cà Phê Quốc Tế (ICO)
[2] Sàn giao dịch The Ice. (theice.com)
[3] Hiệp hội Cà Phê Quốc Tế (ICO)
[4] Tổng hợp số liệu Trademap.com
[5] Trang tin https://www.ico.org/
[6] Cộng tác viên Cà phê khu vực Tây nguyên
[7] Cục Xuất nhâp khẩu - Bộ Công Thương
[8] Báo Sơn La
[9] Báo Lâm Đồng
[10] Báo Nông nghiệp Việt Nam
[11] Báo Công thương