Thị trường thế giới
Biến động giá
Chỉ số giá cà phê tổng hợp của ICO bình quân tháng 07/2023 đạt 3.502 USD/tấn, giảm 7,2% so với tháng trước và giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.[1]
Giá trung bình đối với các nhóm cà phê đều giảm mạnh vào tháng 07/2023. So với tháng trước, giá cà phê Arabica Colombia giảm mạnh nhất giảm 10%, và giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7/2023, giá cà phê Arabia Brazil đạt 3516 USD/tấn, giảm 9,6% so với tháng 6/2023 và giảm 25,7% so với tháng 7/2022. [1] Giá bình cà phê Arabica khác trong tháng 7/2023 đạt bình quân 4.266 USD/tấn, giảm 6,7% so với tháng trước và giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2022. [1]
Sau 7 tháng tăng giá liên tiếp, giá cà phê Robusta có xu hương giảm nhẹ. Tháng 7/2023, giá bình quân đạt 2.813 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng 6/2023, nhưng tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 07/2023, giá cà phê Arabica bình quân kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn New York đạt 3.542 USD/tấn, giảm 10% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn London ở mức 2.707 USD/tấn, giảm 1% so với tháng 6/2023 những tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022. [2]
Giá cà phê thế giới có xu hướng giảm do nguồn cung cà phê thế giới được bổ sung khi cà phê Brazil vào vụ thu hoạch chính. Bên cạnh đó, nhu cầu thiêu thụ cà phê của thế giới giảm đặc biết đối với cà phê Arabica do ảnh hưởng của lạm phát cũng là nguyên nhân dẫn đến giá cà phê tiếp tục có xu hướng giảm.[2]
Xuất khẩu
Thống kê của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 6/2023 đạt 10,4 triệu bao, giảm so với gần 11,2 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, xuất khẩu cà phê toàn cầu sau 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 6/2023) đã giảm 6,7% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 93,4 triệu bao. [3]
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 84 triệu bao, giảm 6,5% so cùng kỳ niên vụ trước và chiếm gần 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu. Tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 9,4 triệu bao, giảm so với con số 10 triệu bao của cùng kỳ năm trước và là tháng sụt giảm thứ 7 liên tiếp kể từ đầu niên vụ 2022-2023. [3]
Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ nhóm cà phê arabica. Cụ thể, xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica Brazil giảm 7,6% xuống còn 2,5 triệu bao. Tính chung 9 tháng đầu niên vụ 2022- 2023, xuất khẩu arabica Brazil đạt 25,8 triệu bao, giảm 10,9% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Tương tự, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia giảm 13% xuống 0,8 triệu bao trong tháng 6, đánh dấu tháng tăng trưởng âm thứ 12 liên tiếp. Do đó, xuất khẩu nhóm cà phê này từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023 đã giảm 13,4% xuống 8,2 triệu bao.
Các lô hàng Arabica khác cũng giảm tới 19,3% trong tháng 6 xuống 2,3 triệu bao. Tổng cộng 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu nhóm cà phê này chỉ đạt 16,2 triệu bao, giảm 13,1% so với cùng kỳ vụ trước. [3]
Ngược lại với Arabica, xuất khẩu cà phê nhân xanh Robusta tăng 6,1% lên 3,7 triệu bao trong tháng 6. Đây là tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp của nhóm cà phê Robusta và tính chung 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuất khẩu nhóm cà phê này đã tăng 3% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 33,9 triệu bao. [3]
Do đó, tỷ trọng của robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023 đã tăng lên 40,3% từ mức 36,6% trong cùng kỳ năm trước.[3]
Với mặt hàng cà phê hoà tan, sau khi tăng vào tháng trước đã giảm trở lại 8,1% trong tháng 6 xuống mức 0,9 triệu bao. Riêng Brazil, nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới đã vận chuyển 0,34 triệu bao trong tháng 6 vừa qua. [3] Tổng cộng 9 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã có gần 8,9 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm 3,2% so với cùng kỳ niên vụ trước. Tuy nhiên, tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu của tất cả các dạng cà phê đã tăng lên mức 9,5% từ 9,2% trong cùng kỳ năm trước. [3]
Ngược lại, xuất khẩu cà phê đã rang tăng 11,3% trong tháng 6 lên 72.237 bao so. Lũy kế 9 tháng đầu niên vụ xuất khẩu cà phê đã rang đạt 0,56 triệu bao, giảm so với 0,61 triệu bao của cùng kỳ.
Khu vực Nam Mỹ, là khu vực xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong tháng 6 với khối lượng đạt 3,65 triệu bao, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu là do hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất khu vực là Brazil và Colombia chứng kiến các lô hàng xuất khẩu giảm lần lượt 15,5% và 20,3%, xuống còn 2,6 triệu và gần 0,8 triệu bao.
Trong đó, xuất khẩu của Brazil vẫn còn thấp do nguồn cung tương đối hạn chế sau hai năm liên tiếp thu hoạch dưới mức trung bình, mặc dù vụ thu hoạch hiện tại đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn vụ trước. Colombia, các vấn đề về sản xuất trong nước là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm xuất khẩu trong niên vụ cà phê hiện tại. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch nhu cầu từ Arabica sang Robusta có chi phí rẻ hơn. Trong đó, Colombia là nước bị tác động nhiều nhất do nước này chủ yếu sản xuất Arabica chế biến ướt chất lượng cao với giá thành vượt trội so với các nước sản xuất khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến Arabica Colombia là loại cà phê có giá giảm mạnh nhất kể từ đầu niên vụ đến nay. [3]
Tại Peru, giá trị xuất khẩu trong tháng 4 vừa qua tiếp tục suy giảm mạnh 62,5% trong tháng 4 vừa qua do thời tiết bất lợi và tình hình chính trị bất ổn tại các khu vực sản xuất chính đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xuất khẩu của nước này.[3]
Tại Châu Phi, xuất khẩu cà phê của khu vực đã giảm 0,6% trong tháng 6 và giảm 4,2% trong 9 tháng niên vụ xuống còn 9,5 triệu bao. Trong tháng 6, xuất khẩu của Bờ Biển Ngà và Ethiopia giảm tổng cộng 18,8%, trong khi Burundi, Kenya, Tanzania và Uganda tăng 14%. Do đó, tổng xuất khẩu của khu vực châu Phi trong 9 tháng đầu niên vụ hiện tại đã giảm 2,5% so với cùng kỳ, xuống còn 11,9 triệu bao. [3]
Nhập khẩu
Tính đến tháng 5/2023, Hoa Kỳ, Đức và Pháp là 3 nước nhập khẩu cà phê lớn nhất trên thế giới.
• Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu cà phê với 845,01 triệu USD, tăng 11,9% so với tháng trước, nhưng giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.[4]
• Đức ở vị trí thứ 2 với 461,50 triệu USD, tăng 4,8% so với tháng trước nhưng giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước.[4]
• Pháp là nước nhập khẩu cà phê thứ 3 thế giới, đạt 282,75 triệu USD, tăng 24,5% so với tháng trước, và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2022.[4]
Tình hình sản xuất
Trong báo cáo tháng 7 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước tính nhu cầu và sản lượng cà phê không thay đổi so với các dự báo đã đưa ra trong các báo cáo trước đó. Sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021/22 giảm 1,4% so với niên vụ trước đó và đạt 168,5 triêu bao. Tuy nhiên, dự báo niên vụ 2022/23, sản lượng cà phê thế giới tăng khoảng 1,7% đạt 171,1 triệu bao.[5]
Sản lượng cà phê Arabia được dự báo tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao trong niên vụ 2022/23, chiếm khoảng 57,5% trong tổng sản lượng cà phê thế giới (tăng 1,6% so với niên vụ 2021/22). Nam Mỹ vẫn là vùng cung cấp cà phê lớn nhất thế giới, mặc dù chịu sự sụt giảm sản lượng lớn nhất trong vòng 20 năm qua, giảm 7,6.[5]
Tiêu thụ cà phê thế giới được dự bao tăng 1,7% trong niên vụ 2022 - 2023 lên 178,5 triệu bao. Do đó, thị trường tiếp tục thâm hụt nguồn cung 7,3 triệu bao. Trong tháng 7, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York đã giảm 2,9% xuống còn 0,58 triệu bao (loại 60 kg/bao). Trong khi tồn kho robusta trên sàn London giảm tới 29,4%, xuống còn 0,89 triệu bao .[5]
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2022 - 2023 giảm 2,7 triệu bao xuống 170 triệu bao.[5]
Thị trường trong nước
Biến động giá
Trong tháng 07/2023, giá cà phê Robusta đại lý thu mua tại khu vực Tây Nguyên biến động tăng mạnh so với tháng trước. Trong đó, giá cà phê thu mua trung bình trong tháng tại Đắk Lắk là 65.914 đồng/kg, tăng 2% so với tháng trước và tăng 55,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê thu mua tại đại lý ở Lâm Đồng trung bình là 65.538 đồng/kg, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2022. [6]
Xuất khẩu
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 140,6 nghìn tấn, trị giá 377,23 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với tháng 5/2023, so với tháng 6/2022 tăng 2,3% về lượng và tăng 19,6% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1 triệu tấn, trị giá 2,39 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng, nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. [7]
Tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.683 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng 5/2023 và tăng 16,9% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.374 USD/tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. [7]
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý II/2023 đạt 453,88 nghìn tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 19,7% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với quý I/2023, so với quý II/2022 tăng 3,7% về lượng và tăng 15,7% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt trên 1 triệu tấn, trị giá 2,39 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng, nhưng tăng2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo quý III/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta. [7]
Quý II/2023 so với quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có xu hướng chuyển dịch sang các khu vực châu Đại Dương và châu Phi, trong bối cảnh xuất khẩu sang khu vực châu Âu, châu Á giảm. So với quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các khu vực tăng, ngoại trừ châu Đại Dương. [7]
Quý II/2023 so với quý I/2023, ngành cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, An-giê-ri, Trung Quốc, ASEAN…, trong khi xuất khẩu sang Đức, Ý, Bỉ, Nga… giảm. So với quý II/2022, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường truyền thống tăng, ngoại trừ Đức, Nga, Bỉ …[7]
Về cơ cấu chủng loại So với quý I/2023, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam quý II/2023 giảm lần lượt 8,0% và 24,3%, trong khi xuất khẩu cà phê chế biến và cà phê Excelsa tăng trưởng khả quan. So với quý II/2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Arabica giảm 39% . [7]
Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây với bình quân 2.682 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng vượt xa mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm ngoái. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân 2.374 USD/tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. [7]
Trong 6 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê sang 38 thị trường trên thế giới. Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang EU, Anh, Philippines,… giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bù lại các thị trường như Mỹ, Nga, Algeria, Indonesia, Mexico, Hàn Quốc,… lại tăng mạnh. EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng năm 2023, khối lượng xuất khẩu đạt 385.895 tấn, trị giá 872,9 triệu USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 6,6% về trị giá. Thị trường này chiếm 38,3% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam trong giai đoạn này, với sản lượng đạt 77,7 nghìn tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 7,7% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng tăng trưởng cao từ hai đến ba con số như: Nga tăng 19,7%; Algeria tăng 100,8%; Indonesia tăng 194,2%; Mexico tăng 77,3%; Hàn Quốc tăng 16,6%. [7]
Tình hình sản xuất
Nhu cầu hạt cà phê Robusta trên thế giới tăng cao, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát giữ ở mức cao. Điều này khiến hoạt động xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam thuận lợi. Lũy kế 10 tháng niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 - tháng 7/2023), ước tính Việt Nam xuất khẩu 1,46 triệu tấn cà phê, tiêu thụ trong nước khoảng 100.000 tấn. Trong khi tổng nguồn cung cà phê trong niên vụ (bao gồm tồn kho của năm ngoái) khoảng 1,6 triệu tấn. [8]
Cơ quan khảo sát và dự báo mùa vụ thuộc Bộ nông nghiệp Brazil cho biết nước này đã thu hoạch 80% sản lượng vụ mùa, tăng khoảng 7,5% so với vụ trước, ước đạt 54,74 triệu bao do chu kỳ được mùa “hai năm một” của cà phê Arabica. [8]
Xuất khẩu cà phê nhân xanh tháng 7 của Brazil đã tăng tới 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,7 triệu bao, theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe). Trong đó, Robusta tăng gấp 3,4 lần với 505 nghìn bao; Arabica tăng hơn 6,5% lên 2,2 triệu bao. [8]
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây. Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA. [8]
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cà phê vẫn thuận lợi khi nhu cầu tăng trong khi nguồn hàng không được cải thiện. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 4 tỷ USD và dự báo xuất khẩu cà phê có thể duy trì kỷ lục này trong năm 2023. Mặc dù vậy, không chỉ nông dân mà một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết họ không được hưởng lợi từ việc giá cà phê tăng. Tình hình thị trường cà phê biến động lớn như hiện nay, đặc biệt là chi phí tài chính quá cao, khiến các doanh nghiệp Việt không dám trữ hàng. Bên cạnh đó, VICOFA cũng dự báo sản lượng cà phê năm 2023 có thể giảm đến 10% - 15%/năm do thời tiết không thuận lợi. [9]
Đắk Nông phát trển các mô hình liên kết trong sản xuất cà phê nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, toàn tỉnh có 25 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, trong đó có 12 HTX, 13 doanh nghiệp với khoảng 13.284 ha. Liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê hiện thu hút trên 7.690 hộ tham gia với sản lượng 40.788 tấn/vụ, chiếm 12,8% sản lượng cà phê toàn tỉnh. Các hộ liên kết sản xuất cà phê đều được hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 100-500 đồng/kg. [10]
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tập huấn cho 90 học viên làm giảng viên tập huấn cho nông dân về sản xuất cà phê chè bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Bắc. Bên cạnh đó, 1.718 lượt nông dân cũng được tập huấn về canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, các kỹ năng khuyến nông, đánh giá chuỗi giá trị và thương thảo hợp đồng theo dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, xem xét các tác động của dịch Covid-19” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức trên địa bàn tỉnh Sơn La. Năm 2023, diện tích cà phê Sơn La đạt 19.200 ha (6.000 ha trồng xen cây ăn quả làm cây che bóng tập trung ở các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và TP. Sơn La. Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 36.000 tấn, chủ yếu sang thị trường EU. Diện tích cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững hoặc tương đương đạt khoảng 18.500 ha (12.000 ha đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance). [11]
Nguồn tham khảo: [1] [3] Hiệp hội Cà phê quốc tế (ICO) [2] Sàn giao dịch The Ice. (theice.com) [4] Tổng hợp số liệu Trademap.com [5] Trang tin https://ico.org [6] CTV Cà phê khu vực Tây Nguyên [7] Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương [8] Bản tin cà phê quý II - Vietnambiz [9] Báo Công thương [10] Báo Đắk Nông [11] Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La