Ban điều phối Ngành hàng cà phê Việt Nam Vietnam Coffee Coordination Board

English Vietnamese

Bản tin tháng 5

Bản tin cà phê tháng 05/2023

TIN NỔI BẬT TRONG THÁNG

❖ Sản lượng cà phê Robusta của nhiều quốc gia được dự báo sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng bởi El Nino.

❖ Lũy kế trong 7 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 (22/10/2022 đến 23/4/2023), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6,2% (4,77 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 72,2 triệu bao..

❖ Sản lượng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022 - 2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất obusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây.

❖ Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 866.121 tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, giảm nhẹ 3,9% về lượng và 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu cà phê trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất 7 tháng trở lại đây với bình quân 2.570 USD/tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đạt xấp xỉ mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm ngoái trong khi đà tăng giá vẫn chưa dừng lại.

 

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Biến động giá

Chỉ số giá cà phê tổng hợp của ICO bình quân tháng 05/2023 đạt 3.869 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022.[1]

Giá trung bình đối với các nhóm cà phê đều tăng vào tháng 04/2023. So với tháng trước, cà phê Robusta là loại cà phê tăng mạnh nhất, tăng 5,9% đạt 2.702 USD/tấn và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trung bình giá cà phê Arabica Brazil đạt 4.118 USD/tấn, giảm 4,3% so với tháng 4/2023, và giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê Arabica Colombia đạt 5.003 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng trước, và giảm 20,8% so với tháng 5/2022. [1]

Giá cà phê Arabia khác đạt 5.061 USD/tấn, tăng 3,2% nhưng giảm tới 13,5% so với tháng 4/2022. [1]

Tháng 05/2023, giá cà phê Arabica bình quân kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn New York đạt 4.040 USD/tấn, giảm 1,1% so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn London ở mức 2.4599USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng 4/2023 và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2022. [2]

Xuất khẩu

Thống kê của ICO cho thấy, trong tháng 4 năm nay xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt hơn 10,1 triệu bao, giảm 2,6% so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 7 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 (22/10/2022 đến 23/4/2023), xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6,2% (4,77 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 72,2 triệu bao. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4/2023, xuất khẩu cà phê Arabica đạt tổng cộng 75,2 triệu bao, giảm 9,6% so với năm trước; trong khi xuất khẩu Robusta đạt 48,5 triệu bao, giảm 1%.[ 3]

Cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu với 9,2 triệu bao trong tháng 4, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, đây đã là tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp của xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu kể từ đầu niên vụ 2022 - 2023. Do đó, tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu chỉ đạt 64,9 triệu bao, giảm 6,4% so với niên vụ trước. Trong 7 tháng qua, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Brazil giảm 9% xuống còn 21 triệu bao; arabica khác giảm 13,8% xuống 11,2 triệu bao; Arabica Colombia giảm 15,3% xuống 6,3 triệu bao. Riêng robusta tăng lên 26,4 triệu bao so với 25,8 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021 - 2022.[3]

Với kết quả này, tỷ trọng cà phê Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên mức 40,6% từ mức 37,2% của niên vụ trước. Đây cũng là tỷ trọng cao nhất của Robusta trong cơ cấu cà phê nhân xuất khẩu trong những niên vụ gần đây. Trái lại, tỷ trọng của Arabica giảm từ 62,8% xuống còn 59,4%.

Xuất khẩu cà phê hòa tan cũng giảm 3,7% trong tháng 4 xuống còn 0,87 triệu bao. Lũy kế 7 tháng đầu niên vụ, tổng cộng 6,8 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu, giảm 4,3% so với 7,1 triệu bao của cùng kỳ niên vụ cà phê trước.

Xét về tỷ trọng, cà phê hòa tan chiếm 9,4% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tăng nhẹ so với 9,1% của tháng 4/2022. Brazil hiện là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, với khối lượng 0,34 triệu bao trong tháng 4.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê rang xay trong tháng 4 bất ngờ tăng mạnh 38,6% lên 72.925 bao. Mặc dù vậy, từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 xuất khẩu cà phê rang xay giảm nhẹ xuống 0,44 triệu bao, so với 0,45 triệu bao của cùng kỳ năm trước. [3]

Tình hình xuất khẩu cà phê của các nhà sản xuất lớn cập nhật như sau:

Khu vực Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2023 giảm đã giảm 6,4% xuống còn gần 3,6 triệu bao trong tháng 4, chủ yếu do ba quốc gia sản xuất chính của khu vực là Brazil, Colombia và Peru có tổng khối lượng xuất khẩu giảm 17,9%.

Trong đó, Brazil và Colombia sụt giảm 2,5% và 14,8%, xuống còn 2,7 triệu bao và 0,7 triệu bao. Tại Colombia, thời tiết bất lợi đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu cà phê của nước này, sản lượng cà phê của Colombia đã giảm 6% trong tháng 4 vừa qua. [3]

Tại Peru, giá trị xuất khẩu trong tháng 4 vừa qua tiếp tục suy giảm mạnh 62,5% trong tháng 4 vừa qua do thời tiết bất lợi và tình hình chính trị bất ổn tại các khu vực sản xuất chính đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xuất khẩu của nước này.[3]

Tại Châu Phi, đã giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 0,9 triệu bao trong tháng 4. Lũy kế 7 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê của châu Phi đạt 6,9 triệu bao, giảm 5,9% so với cùng kỳ. Trong tháng 4, các nước xuất khẩu chính của khu vực châu Phi như Ethiopia, Kenya và Uganda sụt giảm lần lượt là 17,6%, 25,8% và 8,4%. Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda cho biết, tác động của hạn hán vào đầu niên vụ hiện tại cùng với việc xuất khẩu sang Sudan thấp hơn là những lý do khiến xuất khẩu cà phê của nước này giảm. Còn tại Ethiopia, tranh chấp hợp đồng phát sinh do chênh lệch giá thu mua trong nước và giá thế giới đã ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê trong những tháng đầu năm 2023. Các nhà xuất khẩu đang giữ lại cà phê cho đến khi các tranh chấp được giải quyết [3]

Khu vực Trung Mỹ và Mexico, trong tháng 4 tăng 6,3% lên 1,9 triệu bao. T rong đó, Costa Rica, Honduras và Nicaragua tăng trưởng lần lượt là 27%, 13% và 11,2%. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê của khu vực này đã giảm 4% xuống còn 8,01 triệu bao.

Trong tháng 3, Guatemala chịu sự suy giảm nặng nề nhất (-44,9%), trong khi Honduras là quốc gia lớn duy nhất có mức tăng trưởng dương (2,0%). Đối với Honduras, đây đã là tháng mở rộng thứ ba, sau 11 tháng giảm liên tiếp từ tháng 2 đến tháng 12/2022.

Khu vực châu Á và châu Đại Dương là xuất khẩu cà phê của khu vực đã giảm 1% xuống còn hơn 3,7 triệu bao trong tháng 4/2023. Tuy nhiên tính chung 7 tháng vẫn tăng 1,1 % lên 27,5 triệu bao. Đây cũng là khu vực duy nhất có khối lượng xuất khẩu tăng tính đến thời điểm này của niên vụ 2022 - 2023.

Trong tháng 4, xuất khẩu của Indonesia giảm mạnh 24,6% vượt xa mức tăng trưởng dương 3,1% của Việt Nam, nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu của khu vực.

Cùng quãng thời gian kể trên, xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil trong cùng thời gian đã giảm 36,1%, Ấn Độ giảm 31,1% và Uganda giảm 6,2%. Bên cạnh đó, xuất khẩu của Indonesia dường như bị ảnh hưởng tiêu cực do sản lượng giảm, ước tính đã giảm 4,7% trong niên vụ 2021 - 2022.[3]

Nhập khẩu

Tình hình nhập khẩu cà phê toàn cầu được các quốc gia tổng hợp báo cáo đầy đủ sau 3 tháng. Do đó tính đến tháng 2/2023 biến động tại một quốc gia nhập khẩu lớn như sau:

• Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu cà phê với 679,04 triệu USD, giảm 11,7% so với tháng trước, và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.[4]

• Đức ở vị trí thứ 2 với 4312,25 triệu USD, giảm 7,5% so với tháng trước và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.[4]

• Pháp là nước nhập khẩu cà phê thứ 3 thế giới, đạt 287,66 triệu USD, giảm 7,6% so với tháng trước, và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2022.[4]

Tình hình sản xuất

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự báo trong niên vụ 2022 - 2023 sản lượng cà phê Arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao. Trong khi sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022- 2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây.

Phải đến niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA. Trong khi đó, nguồn cung từ Brazil, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai, thấp hơn đáng kể với khối lượng xuất khẩu đạt 0,4 triệu bao trong 4 tháng đầu năm 2023 so với gần 0,5 triệu bao cùng kỳ năm 2022 và 1,24 triệu bao trước đó.

USDA dự báo sản lượng cà phê robusta của Brazil trong niên vụ 2023-2024 (tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) chỉ đạt 21,7 triệu bao, giảm 5% so với niên vụ 2022-2023. Nguyên nhân là do năng suất giảm và điều kiện thời tiết xấu do lượng mưa thấp hơn trong giai đoạn đầu của chu kỳ cây trồng.

Còn tại Indonesia, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI) dự kiến sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm tới 20% trong năm 2023 so với vụ trước, xuống còn 9,6 triệu bao do thời tiết mưa nhiều tại các khu vực trồng trọt chính. Indonesia hiện là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến sẽ phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê Robusta nhiều hơn so với Arabica. Hiện tượng thời tiết này sẽ làm gián đoạn mô hình mưa và nhiệt độ, có thể gây thắt chặt thêm nguồn cung và tăng giá cà phê Robusta.

Các nhà phân tích và chuyên gia thời tiết cho biết, hai quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil có thể bị thiệt hại về năng suất nếu hiện tượng El Nino phát triển mạnh.

Tính đến cuối tháng 5, dự trữ cà phê Robusta được chứng nhận trên sàn London là 1,4 triệu bao (loại 60 kg), tăng 5,9% so với tháng trước. Trái lại, dự trữ Arabica trên sàn New York giảm 11,2% xuống còn 0,66 triệu bao.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Biến động giá

Trong tháng 05/2023, giá cà phê Robusta đại lý thu mua tại khu vực Tây Nguyên biến động tăng mạnh so với tháng trước. Trong đó, giá cà phê thu mua trung bình trong tháng tại Đắk Lắk là 56.365 đồng/kg, tăng 11,7% so với tháng trước và tăng 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê thu mua tại đại lý ở Lâm Đồng trung bình là 55.883 đồng/kg, tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 866.121 tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, giảm nhẹ 3,9% về lượng và 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các hoạt động xuất khẩu cà phê đang cho thấy sự cải thiện tích cực sau khi giá mặt hàng này tăng lên mức kỷ lục mới. Trong tháng 5, xuất khẩu cà phê đã tăng tháng thứ hai liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 4,9% về lượng và hơn 18,3% về trị giá, đạt 149.667 tấn, trị giá lên tới 384,7 triệu USD.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu cà phê trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất 7 tháng trở lại đây với bình quân 2.570 USD/tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đạt xấp xỉ mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm ngoái trong khi đà tăng giá vẫn chưa dừng lại.

Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê đã tăng 3,6% lên mức bình quân 2.323 USD/tấn.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp nội giảm 6,1 %so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1,29 tỷ USD. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng tới 11,6% lên 724,7 triệu USD.[7]

Tỷ trọng của khối doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của cả nước theo đó đã tăng lên mức 36% so với 32% của cùng kỳ, trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp từ 68% xuống 64%.[7]

Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu với 338.389 tấn, trị giá hơn 751 triệu USD, giảm 10,3% về lượng và 8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng phần nào đến nhu cầu cà phê của châu Âu. Trong khối EU, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức, Tây Ban Nha, Bỉ giảm lần lượt là 1,4%, 29,9% và 52%, đạt 114.072 tấn, 45.665 tấn và 41.092 tấn. Mặc dù vậy, một số nước nhập khẩu cà phê Việt Nam vẫn tăng mạnh trong tháng này như Ý tăng 26%; Hà Lan tăng 9,3% và Pháp tăng 22,1%...[7]

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê sang các thị trường khác như Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Mỹ tăng mạnh 27,7% lên 64.493 tấn và chiếm 7,4% thị phần.

Tương tự, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Nga cũng tăng tới 32,5% lên 48.376 tấn; Algeria tăng 106,1%, đạt 36.104 tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu sang một số nước trồng và sản xuất cà phê khác tăng rất mạnh như Indonesia tăng gấp 3,2 lần (đạt 26.600 tấn), Mexico tăng 2,7 lần (đạt 19.875 tấn), Ấn Độ tăng 41,3%...[7]

Sản xuất trong nước 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây. Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA. [8]

Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) trước đó cũng ước tính sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022 - 2023 giảm 10 -15% so với niên vụ trước xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo. [9]

Với sản lượng giảm 10 - 15%, các nhà xuất khẩu lo ngại không có đủ cà phê để giao trong nửa cuối năm nay. Vào giữa tháng 5, có thông tin cho rằng khoảng 90% sản lượng cà phê niên vụ hiện tại của Việt Nam đã được bán.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết El Nino, dự kiến sẽ phát triển trên toàn cầu vào nửa cuối năm nay cũng gây rủi ro cho cà phê Robusta nhiều hơn so với Arabica. Hiện tượng thời tiết này sẽ làm gián đoạn mô hình mưa và nhiệt độ, có thể gây thắt chặt thêm nguồn cung và tăng giá cà phê Robusta.

Các nhà phân tích và chuyên gia thời tiết cho biết, hai quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil có thể bị thiệt hại về năng suất nếu hiện tượng El Nino phát triển mạnh.

Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, diện tích trồng cà phê của toàn tỉnh đạt gần 99.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê đạt hơn 267.000 tấn. Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản hàng hóa, năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê của tinrg Gia Lai đạt 490 triệu USD. Sản xuất cà phê đã làm thay đổi đời sống của người dân, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm cho loa động ở địa phương. Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích, duy trì ổn định khoảng 98.000 - 100.000 ha cà phê. Bên cạnh đó, phát triển cà phê không lấn chiếm, gây ảnh hưởng đến đất rừng. Đặc biệt, Gia Lai sẽ tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trưởng có tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình là cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L'amant Café ... đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.[10] Theo chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, năm 2022, diện tích cà phê đặc sản của tỉnh khoảng hơn 200 ha, sản lượng 62 tấn. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 1.200 ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026-2030, phát triển diện tích cà phê vối đặc sản khoảng 2.300 ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh [10] Đắk Lắk đẩy mạnh ứng dụng chương trình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM)” để phát triển sản xuất cà phê bền vững. IPHM là chương trình tương đối mới, tuy nhiên nguyên tắc của IPHM cũng dựa trên nguyên tắc của IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) đã được triển khai tại địa phương từ những năm 1990 đến nay; chỉ khác là IPHM quan tâm hơn về nền tảng cơ bản của đất sản xuất, hệ sinh thái xung quanh, tính đa dạng của các loài sinh vật và khuyến khích vận dụng vòng dinh dưỡng. Song song với đó là đầu tư thông minh và nông dân phải chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Để đẩy mạnh ứng dụng chương trình này tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực IPHM của Đắk Lắk thông qua các cơ quan chuyên môn có liên quan như trồng trọt, bảo vệ thực vật, khuyến nông địa phương, cán bộ nông nghiệp cơ sở, kể cả cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất cà phê để làm cơ sở nhân rộng IPHM trong thực tế sản xuất, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê theo chuỗi giá trị. Tuyên truyền và phổ biến rộng rãi kết quả và kinh nghiệm ứng dụng IPHM tới cộng đồng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm cà phê, thông qua các hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả và các phương tiện thông tin truyền thông tại địa phương. Lồng ghép chuyển giao chương trình IPHM vào các cuộc tập huấn của khuyến nông cơ sở. [11]

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đang thực hiện đề án tái cơ cấu hướng đến nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Đối với lĩnh vực cà phê, đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương nên tỉnh tập trung xây dựng các mô hình bền vững, đưa các loại giống tốt vào sản xuất với các quy trình khoa học. Địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, đặc biệt, tập trung vào chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Theo số liệu thống kê của tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng cà phê đạt gần 176 nghìn ha. Trong đó, cà phê được trồng nhiều nhất tại huyện Di Linh với khoảng 45,6 nghìn ha. Năng suất cà phê trong tỉnh bình quân khoảng 35,5 tạ/ha, tổng sản lượng khoảng trên 600 nghìn tấn. Hiện nay, các sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang xay của tỉnh Lâm Đồng đang được xuất khẩu qua thị trường quen thuộc ở các nước châu Âu như: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Italia…, các thị trường châu Á như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... Năm 2022, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của tỉnh đạt trên 90 ngàn tấn với giá trị đạt trên 180 triệu USD. [12]

Nguồn tham khảo: [1] Hiệp hội Cà Phê Quốc Tế (ICO) [2] Sàn giao dịch The Ice. (theice.com) [3] https://www.icocoffee.org/documents/cy2022-23/cmr-0523-e.pdf [4] Tổng hợp số liệu Trademap.com [5] Trang tin https://www.ico.org/ [6] Thông tin từ cộng tác viên dự án VnSAT tại các tỉnh Tây Nguyên [7] Cục Xuất nhâp khẩu – Bộ Công Thương [8] https://www.fas.usda.gov/data/vietnam-coffee-annual-8 [9] Hiệp hội cà phê- Ca cao Việt Nam. [10] https://dantocmiennui.vn/gia-lai-phat-trien-thuong-hieu-ca-phe-dac-san/332416.html. [11] https://baodaklak.vn/kinh-te/202305/quan-ly-suc-khoe-cay-trong-tong-hop-de-phattrien-ca-phe-ben-vung-15432a9/ [12] http://baolamdong.vn/kinh-te/202305/nong-dan-di-linh-chu-dong-nang-cao-chat-luongcay-ca-phe-1db2479

 

Nguồn: AGROINFO