Ban điều phối Ngành hàng cà phê Việt Nam Vietnam Coffee Coordination Board

English Vietnamese

Quy hoạch phát triển ngành cà phê đến năm 2020 tầm nhìn 2030

Ngày 21/8/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Chúng tôi tóm tắt một số điểm nổi bật của quy hoạch. Quý vị có nhu cầu nghiên cứu kỹ quy hoạch có thể tải về theo đường dẫn [ở đây].

Mục tiêu:

Đến năm 2020, tổng diện tích trồng cà phê cả nước đạt 500.000,0 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1.112.910,0 tấn, mở rộng công suất chế biến lên 125.000,0 tấn, trong đó sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 khoảng 50.000,0 tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 2,1 - 2,2 tỷ USD.

Định hướng đến năm 2030, tổng diện tích trồng cà phê cả nước: 479.000,0 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1.122.675,0 tấn, tiếp tục mở rộng công suất chế biến lên: 135.000,0 tấn, trong đó sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê hòa tan 3 trong 1 khoảng 60.000,0 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD.

Các định hướng quy hoạch:

1. Về quỹ đất trồng cà phê:

Để đạt các mục tiêu về diện tích trồng cà phê đến năm 2020: 500.000,0 ha và tầm nhìn đến năm 2030: 479.000,0 ha, phải tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây cà phê, loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp để tiếp tục duy trì phát triển ổn định bền vững.

2. Định hướng quy hoạch cà phê ở các vùng:

a) Vùng trồng cà phê:

- Vùng trọng điểm phát triển cà phê: gồm 04 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai.

+ Đến năm 2020: Diện tích trồng cà phê: 447.000,0 ha chiếm 89,4% so với tổng diện tích cà phê cả nước. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk: 170.000,0 ha, Lâm Đồng: 135.000,0 ha, Gia Lai: 73.000,0 ha, Đắk Nông: 69.000,0 ha.

+ Tầm nhìn đến năm 2030 diện tích trồng cà phê: 433.000,0 ha chiếm 90,4% so với tổng diện tích cà phê cả nước.

- Ngoài vùng trọng điểm cà phê gồm 07 tỉnh: Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Trị, Sơn La và Điện Biên.

+ Đến năm 2020: Diện tích trồng cà phê 53.000,0 ha, chiếm 10,6% diện tích cà phê cả nước. Trong đó: tỉnh Đồng Nai: 13.000,0 ha, Bình Phước: 8.000,0 ha, Bà Rịa Vũng Tàu: 5.000,0 ha, Kon Tum: 12.500,0 ha, Quảng Trị: 5.000,0 ha, Sơn La: 5.000,0 ha, Điện Biên: 4.500,0 ha.

+ Tầm nhìn đến năm 2030: 07 tỉnh ngoài vùng trọng điểm có tổng diện tích cà phê: 46.000,0 ha, chiếm 9,6% so với tổng diện tích cà phê cả nước.

b) Cơ cấu diện tích trồng cà phê vối và cà phê chè đến năm 2020:

- Cà phê vối: 460.000,0 ha chiếm 92,0% diện tích cà phê cả nước được trồng tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh Đông Nam bộ;

- Cà phê chè: 40.000,0 ha, trồng tập trung ở các tỉnh Điện Biên 4.500,0 ha, Sơn La 5.000,0 ha, Quảng Trị: 5.000,0 ha, Lâm Đồng: 22.500,0 ha - 23.000,0 ha, Kon Tum: 2.500,0 ha - 3.000,0 ha.

c) Về chế biến:

- Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu, lắp đặt dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, công nghệ tiên tiến với mức độ tự động hóa cao.

- Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng mới các nhà máy chế biến cà phê tiêu dùng (cà phê bột, cà phê hòa tan,…) với công nghệ thiết bị hiện đại, sản phẩm đa dạng chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng. Tổng công suất thiết kế các nhà máy chế biến cà phê tiêu dùng đến năm 2020 đạt 125.000 tấn sản phẩm.