Chúng tôi xin được giới thiệu với Quý vị Video về hướng dẫn canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi xin được tóm tắt nội dụng của video như dưới đây.
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang ngày càng làm ảnh hưởng rõ rệt đến Tây Nguyên. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu là do sự gia tăng các hoạt động gây ra các chất thải khí nhà kính như phá rừng, xả thải của các nhà máy công nghiệp và canh tác nông nghiệp.
Biến đổi khí hậu sẽ có những biểu hiện cụ thể như sau:
- Sự nóng lên của khí quyển
- Sự thay đổi thành phần và chất lượng khí quyển
- sự dâng cao của mực nước biển
- Mức độ khô hạn, sa mạc hóa ngày càng gia tăng
- Tần suất xuất hiện các hiện tượng cực đoan của thời tiết tăng
Biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu thời gian vừa qua là đợt hạn hán năm 2016 tại Tây Nguyên. Đây được cho là đợt hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, đã khiến hơn 50% giếng nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng cạn trơ đấy. Thói quen sử dụng nước lãng phí của nông dân đã khiến nhiều nơi mực nước ngầm suy giảm nghiêm trọng. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, nhiệt độ trung bình trong 2 năm trở lại đây cao hơn từ 0,5oC đến 0,8oC. Trên toàn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa hiện nay kết thúc sớm hớn so với quy luật và lượng mưa chỉ bằng 60-70% so trung bình nhiều năm. Nắng nóng kéo dài làm hàng nghìn ha cây trồng trong đó có cây cà phê đang ở thời kỳ thu hoạch, dẫn đến suy giảm năng suất, chất lượng, thậm chí chết cháy. Đồng thời, đó cũng là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại dịch bệnh vốn cũng chỉ xuất hiện theo mùa nay có điều kiện để phát triển quanh năm như rệp sáp hại quả, bệnh gỉ sắt, rệp xanh mình mềm.
Diễn biến thời tiết Tây Nguyên ngày càng có xu hướng cực đoan. Canh tác cà phê thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu là câu hỏi nhiều hộ canh tác cà phê vốn chiếm 95% diện tích ở khu vực này đang cần được giải đáp.
Một số giải pháp để thích ứng và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu trong sản xuất cà phê.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê cần có sự tham gia tích cực của các bên liên quan nhằm đưa ra giải pháp phù hợp về quy hoạch, khoa học công nghệ, các chính sách hỗ trợ để người sản xuất ứng dụng vào thực tế sản xuất cà phê bền vững, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần quy hoạch vùng trồng phù hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về biến đổi khí hậu đối với cây cà phê. Cà phê cần được canh tác ở nơi có khí hậu và thổ nhưỡng cũng như hệ sinh thái phù hợp, nhiệt độ, lượng mưa đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây cà phê. Để quản lý quy hoạch gắn với tổ chức sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị cần phải xây dựng bản đồ tiềm năng về tác hại của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê và xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ làm công tác nghiên cứu về biến đổi khí hậu, đào tạo, tập huấn kỹ năng sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân.
Thứ hai, nghiên cứu chọn giống cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu. Giống thích ứng với biến đổi khí hậu là giống có khả năng chống chịu hạn và các điều kiện bất thuận khác như các loại bệnh phát sinh từ đất như thối rễ, vàng lá cà phê. Một số giống cà phê có khả năng chịu hạn đang được sử dụng trong thực tế: các giống cà phê vối TR4, TR7, TR8, TR9 thuộc dòng vô tính do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chọn tạo từ tập đoàn gien các loại cà phê vối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với những cây mẹ mạnh nhất và có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, khí hậu ở Tây Nguyên.
Thứ ba, cải tiến kỹ thuật canh tác. Anh Lê Văn Đông ở Đắk Lắk có thâm niên trồng cà phê đã hơn 10 năm nay. Trước đây, giống như rất nhiều nông dân khác trên địa bàn, anh thường có thói quen tưới tràn cho cây nghĩa là dùng máy bơm công suất lớn để bơm trực tiếp vào vườn cà phê. Việc sử dụng nước thiếu đong đếm này khiến mùa khô vừa qua rất nhiều giếng nước trong vườn nhà anh đã cạn trơ đáy. Anh Đông tiến hành khoan thêm rất nhiều giếng trong vườn. Dù chiều sâu mỗi giếng lên đến 80-120 m nhưng mực nước ngầm ngày càng sụt giảm nên rất khó để duy trì đủ nguồn nước phục vụ cây trồng. Trước khó khăn đó, hơn 1 năm này, được sự giúp đỡ của công ty TNHH Olam Việt Nam, anh đã đầu tư mô hình tưới nước phun mưa cục bộ. Nhờ mô hình này mà anh kiểm soát được nước tưới, phân bón, và nhân công lao động một cách đáng kể. Nếu như trước đây để tưới 500 cây cà phê và 500 cây tiêu, anh cần 3 người tưới ròng rã trong 3 ngày thì này chỉ cần một động tác là mở khóa.
Với cái quy trình tưới phun mưa cục bộ này thì nó có 3 cái tiết kiệm: tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, và tiết kiệm công lao động.
Mô hình này cũng rất dễ thực hiện. Tổng kinh phí chỉ tốn khoảng 50 triệu đồng và hệ thống có thể sử dụng trong vòng 20 năm. Toàn bộ hệ thống trục ống dẫn nước được chôn ngầm dưới mặt đất. Nhờ tiết kiệm nước tưới và không sử dụng máy bơm công suất lớn nên không làm sụt giảm mực nước ngầm trong đất. Thay vì phải rắc phân theo cách truyền thống thì nhờ hệ thống này phân bón được hòa ra và được tưới như tưới nước. Điều này không những giúp cây dễ hấp thụ hơn mà còn giảm được nhân công lao động. Hệ thống tưới phun mưa cục bộ tiết kiệm nước 30-40% so tưới dí. Lợi nhuận cao hơn.
Để giảm sự thất thoát nguồn nước, các chuyên gia lưu ý bà con nên tủ gốc cho cây cà phê. Tủ gốc dễ thực hiện, hiệu quả cao.
Dinh dưỡng cân đối cũng góp phần quan trọng vào sự phát triển của cây cà phê. Những năm vừa qua, do lạm dụng phân bón hóa học quá nhiều nên đã khiến nhiều diện tích đất bị bạc màu. Bón phân không đúng cách đã khiến một lượng phân bón không nhỏ bị thất thoát gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Theo các chuyên gia, bón phân phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:
- Bón phân đúng chủng loại
- Bón phân đúng thời điểm
- Bón phân đúng liều lượng
- Bón phân đúng cách
Hiện nay, trên thị trường có bán một số chủng loại phân mà khi bón không cần xẻ rãnh và lấp lại bởi trong những loại phân này chứa một loại đạm khó có khả năng bay hơi. Bà con có thể cân nhắc và lựa chọn để tiết giảm công sức lao động.
Không chỉ áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, tủ gốc giữ ẩm cho cây cà phê. Mà tại vườn cà phê bà con cũng nên trồng đai rừng chắn gió để giảm sự ảnh hưởng của những đợt gió lớn đến cây cà phê, gây rụng hoa, rụng trái, gẫy cành. Loại cây được lựa chọn là cây muồng đen, có khả năng cải tạo đất rất tốt. Trong vườn cà phê, bà con cũng cần phải trồng những loại cây che bóng. Thực tế cho thấy, những vườn cà phê che bóng sẽ giúp nhiệt độ giảm 1-2oC. Không những vậy, trồng xen hồ tiêu, bơ, mãng cầu còn giúp bà con có thêm thu nhập và giảm rủi ro khi giá cà phê xuống thấp.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách sẽ giữ được cân bằng sinh thái trong vườn cà phê. Hơn 1 năm nay, nhờ giảm đáng kể các loại thuốc hóa học mà nhiều vườn cà phê đã có sự xuất hiện trở lại của các loại sinh vật có lợi như bọ rùa, kiến vàng. Những con vật này sẽ giúp chế ngự sự phát triển của loài rệp sáp gây hại cà phê, đảm bảo cân bằng sinh thái.
Như vậy, canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu cần chú ý:
- Quy hoạch vùng trồng hợp lý
- Sử dụng giống thích ứng với điều kiện thời tiết bất thường
- Sử dụng phân bón hợp lý, áp dụng các biện pháp IPM trong quản lý sâu bệnh
- Áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm
- Hạn chế lạm dụng phân bón hóa học
- Không sử dụng lãng phí nguồn nước