❖ Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 11/2023 đạt mức bình quân 2.598 USD/tấn, tăng 0,55% so với tuần trước.
❖ Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/2023 đạt mức bình quân 3.315 USD/tấn, tăng 1,29% so với tuần trước.
❖ Theo Tổ chức cà phê Thế giới (ICO), sản lượng cà phê 2022-23 sẽ tăng nhẹ lên 171,3 triệu bao
❖ Theo báo cáo của Cơ quan nông nghiệp Nước ngoài (FSA) của USDA, sản lượng cà phê của Indonesia đạt khoảng 9,7 triệu bao niên vụ 2023/24.
❖ Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng cà phê nhập khẩu của New Zealand đạt trên 8.000 tấn, trị giá gần 48,39 triệu US
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Thị trường London, tuần 35 có 5 phiên tăng giá liên tiếp. Giá cà phê Robusta- kỳ hạn tháng 11/2023 trung bình đạt 2.598 USD/tấn, tăng 0,55% so với tuần trước, và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cao nhất trong tuần đạt 2.664 USD/tấn, giá thấp nhất là 2.558 USD/tấn.[1]
Thị trường New York, trong tuần có 3 phiên tăng giá và 2 phiên giảm giá đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12/223 bình quân đạt 3.315 USD/tấn, tăng 1,29% so với mức giá tuần trước, và giảm 36% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cao nhất trong tuần đạt 3.373USD/tấn, giá thấp nhất trong tuần là 3.232 USD/tấn. [1]
Theo tổ chức cà phê Thế giới (ICO), sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021-22 giảm 1,4% xuống còn 168,5 triệu bao, nguyên nhân là do thời tiết xấu ở một số vùng trồng cà phê chính như Brazil, Việt Nam và Indonesia. Dự báo, sản lượng cà phê 2022-23 sẽ tăng nhẹ lên 171,3 triệu bao so với niên vụ 2021-22 [2]
Indonesia
Theo báo cáo của Cơ quan nông nghiệp Nước ngoài (FSA) của USDA, sản lượng cà phê của Indonesia dự kiến sẽ giảm 18% trong niên vụ 2023-24 xuống còn 9,7 triệu bao (bao 60kg). Sản lượng cà phê Arabica sẽ giảm 500.000 bao xuống còn 1,3 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê Robusta sẽ giảm 20% xuống còn 8,4 triệu bao. [3]
Diện tích trồng cà phê tại Indonesia dự kiến sẽ tăng 3.000 ha lên 1,3 triệu ha trong năm 2023- 2024. Sự gia tăng này chủ yếu tập trung ở khu vực tây Java, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho trồng cà phê. Bên cạnh đó, diện tích trồng cà phê Arabica của Indonesia cũng tăng lên nhờ sáng kiến Nông lâm kết hợp do Chính phủ nước này khởi xướng. [3]
Tiêu thụ cà phê của Indonesia tăng nhẹ trong niên vụ 2023-2024, lên 4,79 triệu bao, tăng khoảng 20 nghìn bao so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do nền kinh tế của nước này đang phục hồi sau dịch COVID-19. Nhập khẩu cà phê xanh cũng tăng 7% lên 1,44 triệu bao do nguồn cung cà phê xanh trong nước thiếu hụt. [3]
Trong niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê của Indonesia dự kiến sẽ giảm 32% xuống còn 6,2 triệu bao. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt nguồn cung liên quan đến thời tiết xấu. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất, tiếp đến là Châu Âu, Ấn Độ và Trung Đông. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Nhật Bản giảm 42% trong năm 2022-2023, xuống còn 1,1 triệu bao. Một phần nguyên nhân do một số container bị trả lại do dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.[3]
New Zealand
Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng cà phê nhập khẩu của New Zealand đạt trên 8.000 tấn, trị giá gần 48,39 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình kinh tế khó khăn và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, trong đó có thói quen ăn uống tại nhà nhiều hơn, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiêu thụ cà phê của quốc gia này. [4]
Nhập khẩu cà phê của New Zealand giảm ở tất cả các chủng loại trong 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, nhập khẩu cà phê, trừ cà phê rang xay và loại bỏ caffein (HS 090111) giảm 5,1% về lượng và giảm 15,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 7.029 tấn, trị giá 34,75 triệu USD. Cà phê rang, không bao gồm cà phê đã khử caffein (HS 090121), mức giảm 18,3% về lượng và giảm 13,1% về trị giá, đạt 7.836 tấn, trị giá 12,3 triệu USD. [4]
Trong 6 tháng đầu năm 2023, 2 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của New Zealand là Brazil và Việt Nam. Brazil tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu, đạt 1.720 tấn, trị giá 8,19 triệu USD, giảm 20% về lượng và 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai, tăng 23,4% về lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.140 tấn, trị giá 2,54 triệu USD.[4]
THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
Giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tuần này tiếp tục đà giảm giá. Tại Đắk Lắk, giá cà phê Robusta bình quân trong tuần đạt 64.693 VNĐ/kg, giảm 1,19% so với tuần trước, nhưng tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Lâm Đồng, giá cà phê Robusta giảm 1,32% so với tuần trước, mức bình quân 64.060 VNĐ/kg, nhưng tăng 30,95% so với cùng kỳ năm 2022. [5]
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang New Zealand đạt 194 tấn, trị giá 583,71 triệu USD, tăng 44,8% về lượng và 48,0% về trị giá so với tháng 6/2023. So với tháng 7/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang New Zealand tăng 73,2% về lượng và 108,2% về giá trị. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang New Zealand đạt 1.200 tấn, trị giá 3,2 triệu USD, tăng 106,5% về lượng và 144,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. [6]
Tháng 7/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zeland đạt mức 3.009 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng 6/2023 và tăng 20,2% so với tháng 7/2022. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường New Zeland đạt mức 2.638 USD/tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2022. [6]
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến sang thị trường New Zealand, với mức tăng lần lượt 186,1% và 58,5% so với cùng kỳ năm 2022. Hai loại cà phê này chiếm lần lượt 76,48% và 23,03% tổng lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang New Zealand. Xuất khẩu cà phê Arabica sang thị trường này giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 0,49%.[6] Ngày 22/8, tại tỉnh Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ khởi động triển khai thi công xây lắp Hợp phần 5 “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên” thuộc Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu, với tổng mức đầu tư dự kiến là 80 tỷ đồng.[7] Mục tiêu của dự án là hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê chất lượng cao, quy mô tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Dự án cũng sẽ phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân địa phương.[7]
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) hiện đang thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn với diện tích 19.700 ha, bao gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này, có khoảng 64 hợp tác xã (HTX) và 5.230 hộ dân sản xuất cà phê. Chính vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới cho vùng nguyên liệu cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên rất lớn. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), dự kiến nhu cầu lao động trong vùng nguyên liệu cà phê khoảng 11.000 người, trong đó 10.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất cà phê. [8]
Tuy nhiên, nhiều lao động hiện nay còn hạn chế trong việc thực hành sản xuất theo quy trình canh tác tiên tiến, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, người lao động còn thiếu kiến thức về kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.Trên cơ sở đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất, trong thời gian tới cần đưa nội dung đào tạo HTX, liên kết vùng nguyên liệu vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, phối hợp đưa sinh viên đi thực tập tốt nghiệp trong các tổ chức tại các vùng nguyên liệu. [8]
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, nếu không thích ứng với quy định không phá rừng của liên minh châu Âu (EUDR), ngành cà phê Việt Nam sẽ tự đánh trượt mình khỏi chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Sản xuất cà phê Đắk Nông đang phải đối diện với các khó khăn như tỉnh chưa có cơ sở dữ liệu về vườn cây, truy xuất nguồn gốc, phân lập vùng trồng. Tỷ lệ diện tích cây trồng được chứng nhận các tiêu chuẩn, liên kết còn thấp. Quy mô sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông còn nhỏ lẻ, nên càng dễ bị tác động bởi EUDR. [9]
EUDR có 4 nhóm yêu cầu chính đối với địa phương và người sản xuất. Thứ nhất, phải có dữ liệu về tọa độ (GPS) và ranh giới (polygon) cho từng lô, vườn cà phê. Thứ hai, thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu của lô, vườn cà phê để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm kết hợp với hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng. Thứ ba, thiết lập hệ thống giám sát báo cáo và phản hồi thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và việc bảo vệ rừng có liên quan đến sản xuất cà phê và khai thác gỗ. Thứ tư, có cơ chế báo cáo, thông tin và phản hồi khi có yêu cầu từ nước nhập khẩu. [9]
Triển khai thực hiện EUDR coi là cơ hội mới cho nông nghiệp của Đắk Nông tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị sản phẩm có truy xuất nguồn gốc hợp pháp và bền vững với môi trường. Đồng thời, góp phần bảo vệ rừng, không gây suy thoái rừng và mang lại cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, HTX. [9]
Nguồn tham khào:
[1]. https://www.investing.com/ [2]. Tổ chức cà phê thế giới (ICO) [3]. Dailycoffeenews
[4]. Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương [5]. Cộng tác viên khu vực Tây Nguyên
[6]. Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương [7]. Báo Nông nghiệp Việt Nam
[8]. Báo Sài Gòn Giải Phóng [9]. Báo Nông nghiệp Việt Nam