TIN NỔI BẬT TRONG THÁNG
❖ Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng cà phê toàn cầu ước tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
❖ Trong tháng 1, giá cà phê robusta thế giới tăng mạnh so với cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong 3 tháng, nhờ các quỹ và nhà đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước. ❖ Chúng tôi cho rằng giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh trong đại dịch và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nỗ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 sẽ khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.
❖ Tại Việt Nam, cà phê đang chuẩn bị vào giai đoạn ra hoa. Một số tỉnh như Đắk Lắk ghi nhận mầm hoa cà phê ra sớm do trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng mưa phùn, lạnh kéo dài. Tuy nhiên, vì lượng mưa không đủ, kèm theo không khí lạnh khiến hoa cà phê bung không đủ độ, có nguy cơ thối và không đậu trái.
❖ Do trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
Biến động giá
Chỉ số giá cà phê tổng hợp của ICO bình quân tháng 01/2023 đạt 3.760 USD/tấn, tăng 0,14% so với tháng trước nhưng giảm 23,17% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 1/2023, giá trung bình đối với các nhóm cà phê đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá nhóm Arabica Brazil giảm mạnh nhất, giảm 27% đạt bình quân 3.749 USD/ tấn.Tiếp đến là Arabica Colombia đạt 4.826 USD/ tấn, giảm 26%. Nhóm cà phê Arabica chế biến ướt khác đạt 4.558 USD/tấn, giảm 24%. Nhóm cà phê Robusta đạt 2.116 USD/tấn giảm 13%.
So với tháng 12/2022, giá cà phê Robusta tăng 4%, cà phê Arabica Brazil tăng 1%. Các mặt hàng cà phê khác có xu hướng giảm như Arabica Colombia giảm 2,3% và cà phê, Arabica chế biến ướt khác giảm 1,7%.
Tháng 01/2023, giá cà phê Arabica bình quân kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn New York đạt 3.506 USD/tấn, giảm 4,06% so với tháng trước và 32,68% so với cùng kỳ năm 2022. Tương tự, giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London ở mức 2.347 USD/tấn, tăng 1,91% so với tháng trước nhưng giảm 16,17% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu
Theo dữ liệu được công bố bởi ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu sau khi tăng vào tháng 11 đã giảm trở lại trong tháng 12/2022, với mức giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 10,9 triệu bao.
Do đó, tính chung 3 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 (tháng 10 đến tháng 12) xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 2,8% so với cùng kỳ niên vụ 2021 - 2022, xuống còn 30,3 triệu bao.
Luỹ kế trong 12 tháng kết thúc vào tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê Arabica thế giới đạt tổng cộng 79,7 triệu bao, giảm nhẹ so với 80,6 triệu bao của năm 2021; trong khi Robusta ổn định ở mức 48,3 triệu bao. Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12 với 9,8 triệu bao, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 3 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 27,3 triệu bao, giảm 1,5% so với vụ trước.
Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2022 giảm 12,7%, xuống còn 2,8 triệu bao. Nhóm cà phê Arabica khác cũng giảm tới 17,8%, chỉ đạt 3,5 triệu bao. Xuất khẩu cà phê Arabica Brazil sau khi tăng 15,2% trong tháng 11 đã giảm 10,3% vào tháng 12. Tuy nhiên, 3 tháng đầu niên vụ hiện tại xuất khẩu Arabica Brazil vẫn tăng 5,8% lên 10,3 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê Robusta tăng nhẹ 1,1% trong tháng 12 và tăng 2% sau 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 10,5 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đạt 2,8 triệu bao trong 3 tháng đầu niên vụ, giảm 13,6% so với 3,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. Mặt hàng này chiếm khoảng 9% tỷ trọng xuất khẩu cà phê toàn cầu, giảm nhẹ so với mức 9,1% của cùng kỳ. Brazil và Ấn Độ hiện đang là hai nước xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất thế giới.
Tương tự, xuất khẩu cà phê rang xay cũng giảm 5,7% trong 3 tháng đầu niên vụ 2022- 2023, đạt 208.975 bao.
Tình hình xuất khẩu cà phê của các nhà sản xuất lớn cập nhật như sau:
Tại Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê của khu vực này đã giảm 17,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ, xuống 4,6 triệu bao. Hai quốc gia xuất khẩu chính của khu vực là Brazil và Colombia, có lượng xuất khẩu giảm lần lượt là 15,2% và 11%, đạt 3,2 triệu bao và hơn 1 triệu bao.
Ecuador và Peru cũng chứng kiến khối lượng xuất khẩu giảm gần một nửa, với mức giảm 45,2% và 41,5%.
Colombia, sự sụt giảm vẫn chủ yếu liên quan đến điều kiện sản xuất không thuận lợi. Mưa lớn kéo dài do hiện tượng La Niña đã khiến sản lượng cà phê tháng 12 của Colombia giảm 29%, đây là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp của nước này, kéo theo đó là nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm.
Peru, mưa diễn ra liên tục khiến thời gian thu hoạch kéo dài và cản trở quá trình phơi sấy. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng cũng như nguồn cung cà phê kể từ đầu vụ 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn cũng làm tăng thêm các vấn đề về nguồn cung cà phê của nước này, dẫn đến khối lượng xuất khẩu trong tháng 12 của Peru chỉ đạt 310.000 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Ecuador, sự sụt giảm xuất khẩu chủ yếu là do mức nền cao bất thường vào tháng 12/2021, khi đó khối lượng xuất khẩu cà phê của Ecuador tăng tới 164,4%. Vì vậy, khối lượng xuất khẩu 57.599 bao đạt được trong tháng 12/2022 là tương đối phù hợp với xu hướng hiện tại và mức trung bình 57.508 bao của cùng kỳ các niên vụ 2016 - 2020.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 4,2% lên gần 4,6 triệu bao trong tháng 12 và tăng 2% lên 6,6 triệu bao trong 3 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023. Sự gia tăng này chủ yếu là do xuất khẩu của Việt Nam, nhà sản xuất lớn nhất khu vực tăng 16,4% lên 3,4 triệu bao vào tháng 12 năm ngoái.
Ngược lại, xuất khẩu cà phê của Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn thứ ba trong khu vực giảm mạnh 39%, chỉ đạt 0,4 triệu bao trong tháng 12. Đây cũng là tháng tăng trưởng âm thứ năm liên tiếp của nước này.
Tuy nhiên, sự suy giảm của Ấn Độ chủ yếu là do niên vụ 2021 - 2022 là năm xuất khẩu kỷ lục của nước này, với hơn 7,2 triệu bao được vận chuyển so với gần 6 triệu bao của niên vụ 2020 - 2021. Tại châu Phi, xuất khẩu cà phê của khu vực này giảm 9% xuống còn gần 1 triệu bao trong tháng 12. Tính chung 3 tháng đầu tiên của niên vụ, xuất khẩu của châu Phi đạt tổng cộng 3,2 triệu bao, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2021 - 2022.
Uganda, nước sản xuất cà phê lớn nhất khu vực ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm 21,9% trong tháng 12 xuống 0,4 triệu bao. Đây đã là tháng sụt giảm trong tháng thứ 12 liên tiếp của nước này, qua đó khiến tổng xuất khẩu cà phê năm 2022 của Uganda chỉ đạt 5,6 triệu bao, giảm 20,3% so với năm 2021.
Hạn hán ở hầu hết các vùng trồng cà phê, dẫn đến mùa thu hoạch chính thấp hơn và ngắn hơn ở miền Trung và miền Đông của Uganda.
Trái ngược với sự sụt giảm tại Uganda, xuất khẩu cà phê của các nước châu Phi khác ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực trong tháng cuối cùng của năm 2022 như Bờ Biển Ngà tăng 69,4% lên 0,2 triệu bao, Kenya tăng 33,2% lên 0,1 triệu bao và Tanzania tăng 18,6% lên 0,3 triệu bao.
Còn tại Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực này giảm 15,2% trong 3 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023, chỉ đạt hơn 1,5 triệu bao.
Tính riêng tháng 12, xuất khẩu cà phê của Trung Mỹ và Mexico giảm tháng thứ ba liên tiếp với mức giảm 15,2% xuống 0,7 triệu bao.
Honduras, nhà sản xuất lớn nhất của khu vực ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm 33,7% trong tháng. Có 2 nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, đó là sản xuất tiếp tục phải vật lộn với bệnh gỉ lá, ảnh hưởng đến vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2022 - 2023; và thứ hai là sự suy giảm mang tính kỹ thuật bởi cùng kỳ năm 2021 xuất khẩu của nước này tăng tới 46,3%.
Xuất khẩu của các nước khác như Costa Rica, Guatemala và Nicaragua cũng giảm lần lượt là 23,3%, 20,7% và 35,1%.
Nhập khẩu
Tình hình nhập khẩu cà phê toàn cầu được các quốc gia tổng hợp báo cáo đầy đủ sau 3 tháng. Do đó tính đến tháng 10/2021 biến động tại một quốc gia nhập khẩu lớn như sau:
• Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là quốc gia đứng đầu về nhập khẩu cà phê với 935,45 triệu USD, tăng 7,27% so với tháng trước và tăng 34,98% so với cùng kỳ năm trước.
• Đức ở vị trí thứ 2 với 526,65 triệu USD, tăng 7,83% so với tháng trước và tăng 26,25% so với cùng kỳ năm trước.
• Pháp là nước nhập khẩu cà phê thứ 3 thế giới, đạt 270,80 triệu USD, giảm 5,93% so với tháng trước và giảm 2,98% so với cùng kỳ năm 2021.
Tình hình sản xuất
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 - tháng 9/2023). Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Theo đó, USDA dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brazil sẽ tăng 3,4 triệu bao lên 39,8 triệu bao.
Phần lớn các khu vực sản xuất đang trong năm được mùa của chu kỳ sản xuất hai năm một lần, dẫn đến triển vọng năng suất cao hơn cho vụ tới. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 50 triệu bao trong vụ mùa 2020 - 2021 và 2018 - 2019.
Cây cà phê Arabica tại nhiều vùng sản xuất của Brazil đang phục hồi sau đợt sương giá nghiêm trọng vào tháng 6 và tháng 7/2021 cũng như nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình cho đến tháng 9/2021.
Vụ thu hoạch cà phê Robusta của Brazil cũng được dự báo đạt kỷ lục 22,8 triệu bao trong vụ 2022- 2023, tăng hơn 1,1 triệu bao so với niên vụ trước do điều kiện thời tiết thuận lợi và quản lý cây trồng tốt đã hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển trái cà phê ở vùng trồng trọt chính của bang Espirito Santo. Ngoài ra, diện tích thu hoạch tăng nhẹ cũng góp phần vào mức tăng dự kiến của Robusta.
Như vậy, tổng sản lượng cà phê Arabica và Robusta của Brazil sẽ tăng khoảng 4,5 triệu bao so với niên vụ trước lên 62,6 triệu bao trong vụ 2022 - 2023. Nhưng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm khoảng 2,6 triệu bao xuống còn 33 triệu bao do nhiều nước tăng sử dụng hàng tồn kho.
Mới đây, Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) dự báo sản lượng của Brazil trong năm 2023 sẽ đạt 54,9 triệu bao, tăng 7,9% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự báo ở mức 37,4 triệu bao, tăng 14,4%. Ngược lại, Robusta dự kiến sẽ giảm 3,8% xuống 17,5 triệu bao.
Ngoài ra, đồng Real Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng so với đồng USD có thể thúc đẩy các nhà sản xuất cà phê Brazil đẩy mạnh bán ra trong thời gian tới. Các nhà phân tích cho rằng giá có thể đảo chiều một khi các nước đẩy mạnh bán ra, đặc biệt là Brazil.
Tuy nhiên, tại một số nơi ghi nhận sản lượng giảm. Đối với Colombia, sự sụt giảm vẫn chủ yếu liên quan đến điều kiện sản xuất không thuận lợi. Mưa lớn kéo dài do hiện tượng La Niña đã khiến sản lượng cà phê tháng 12 của Colombia giảm 29%, đây là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp của nước này, kéo theo đó là nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm.
Tương tự là tại Peru, mưa diễn ra liên tục khiến thời gian thu hoạch kéo dài và cản trở quá trình phơi sấy. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng cũng như nguồn cung cà phê kể từ đầu vụ 2022 - 2023.
Dự báo
Giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nổ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, kịch bản giá tăng cao kỷ lục như năm 2022 được cho là khó lặp lại bởi sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại vẫn đáp ứng được nhu cầu, thậm chí dư cung.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu sẽ tăng 6,6 triệu bao lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022 - 2023. Chủ yếu là do vụ cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần. Trong khi tiêu thụ dự báo tăng 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.. Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát tăng cao hay suy thoái kinh tế toàn cầu cũng sẽ tiếp tục tác động xấu đến sức tiêu thụ cà phê, đặc biệt là ở những quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ và EU. Đối với thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia cho rằng vẫn chưa thể kỳ vọng rằng sức mua của người tiêu dùng có thể phục hồi nhanh sau khi nước này mở cửa trở lại. Sau nhiều năm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID -19, thu nhập của người dân ảnh hưởng lớn và họ sẽ có xu hướng ưu tiên chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu hơn.
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Biến động giá
Trong tháng 01/2022, giá cà phê Robusta đại lý thu mua tại khu vực Tây Nguyên biến động giảm so với tháng trước. Trong đó, giá cà phê thu mua trung bình trong tháng tại Đắk Lắk là 40.542 đồng/kg, giảm 0,62% so với tháng trước và tăng 0,81% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê thu mua tại đại lý ở Lâm Đồng trung bình là 40.032 đồng/kg, giảm 0,56% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm 2022. [7]
Xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1 đạt 142.544 tấn, trị giá 310,4 triệu USD, giảm 38,4% về lượng và 38,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Còn so với tháng 2/2022, tháng có cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, xuất khẩu cà phê trong tháng đầu năm nay tăng 2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá. Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm chiếm 43,6% tổng khối lượng xuất khẩu với 62.132 tấn, trị giá 135 triệu USD.
Trong đó, những thị trường tiêu thụ cà phê chính của Việt Nam tại EU gồm Đức (21.487 tấn), Italy (17.274 tấn), Bỉ (9.282 tấn), Tây Ban Nha (5.984 tấn)… Ngoài EU, các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu khác có thể kể đến như Mỹ đạt 10.901 tấn, Nga 10.087 tấn… Điểm đặc biệt là khối lượng xuất khẩu sang một số nước trồng cà phê khác tăng rất mạnh trong tháng 1 so với cùng kỳ năm ngoái như Indonesia tăng gấp 4,5 lần (đạt 3.245 tấn), Mexico tăng 4 lần (đạt 2.797 tấn), Ấn Độ tăng 62,3% (đạt 2.507 tấn).
Trong tháng 1/2023, giá cà phê xuất khẩu của nước ta tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn bình quân 2.178 USD/tấn, thấp hơn 2,5% so với tháng trước và tương đương cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2022, hoạt động tiêu thụ cà phê tăng mạnh về cả giá trị lẫn số lượng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021. Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong 4 năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay. Năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 và giá cà phê tăng cao trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn như Brazil, Colombia. Mặt khác, sự gia tăng xuất khẩu cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung container và tàu được cải thiện. Intimex Group là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, tiếp đến là Vĩnh Hiệp và Công ty 2/9. Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2022, lượng xuất khẩu cà phê có xu hướng giảm do người dân chỉ bán với mức giá cao, trừ lùi co lại. Một số tháng cuối vụ, Việt Nam còn chịu cạnh tranh từ hàng robusta của Indonesia được chào bán với mức trừ lùi thấp hơn. Điều này khiến giá nội địa tăng thêm 20% bất chấp giá bán trên sàn London giảm. Theo VICOFA, các nhà xuất khẩu đã có hợp đồng giao hàng buộc phải mua nội địa giá cao. Một số doanh nghiệp do không mua được nên phải xin giao hàng trễ qua tháng 10 và tháng 11. Nhiều nhà xuất khẩu nhận khiếu nại về độ ẩm bị trả hàng hoặc phải đền bù chi phí.
Sản xuất trong nước
Năm 2022, tình hình sản xuất cà phê của Việt Nam ổn định. Mặc dù giữa vụ, một số tổ chức dự báo sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm khoảng 10% so với niên vụ 2020 - 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021) do ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu, chi phí trồng tăng cao khiến người nông dân ít đầu tư, tuy nhiên, thực tế sản lượng cà phê không thay đổi. Năm 2022, mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với các năm trước giúp cây cà phê ra hoa và phát triển tốt. Điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường giúp giảm chi phí tưới tiêu cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá phân bón đã tăng tới 70% trong năm 2022. Điều này khiến cho người trồng cà phê giảm sử dụng phân bón, dẫn đến năng suất và sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn. Hiệp hội Cà phê - Cacao (VICOFA) cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9 ) ước tính khoảng 1,73 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với niên vụ trước đó. Tổng diện tích trồng không đổi, khoảng 600.000 ha. Năm 2022, năng suất cà phê khoảng 28,2 tạ/ha, đây cũng là mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2005, theo số liệu của Cục Trồng trọt. Thời tiết thuận lợi, mưa đúng thời điểm trong giai đoạn gieo trồng, ra hoa, thu hái nên chất lượng tốt, đồng đều, tỉ lệ hạt trên sàn cao.
VICOFA dự báo sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ Trong năm 2022, tình hình sản xuất cà phê của Việt Nam ổn định. Hiệp hội Cà phê - Cacao (VICOFA) cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2021 - 2022 (từ 1/10/2021 đến 30/9/2022) ước tính khoảng 1,73 triệu tấn, thay đổi không đáng kể so với niên vụ trước đó. Tổng diện tích trồng không đổi, khoảng 600.000 ha.
Năm 2022, năng suất cà phê khoảng 28,2 tạ/ha, đây cũng là mức cao nhất kể từ ít nhất năm 2005, theo số liệu của Cục Trồng trọt. Thời tiết thuận lợi, mưa đúng thời điểm trong giai đoạn gieo trồng, ra hoa, thu hái nên chất lượng tốt, đồng đều, tỷ lệ hạt trên sàn cao.
Nguồn tham khảo: [1] Hiệp hội Cà Phê Quốc Tế (ICO) [2] Sàn giao dịch The Ice. (theice.com) [3] Hiệp Hội Cà Phê Xanh Hoa Kỳ (Green Coffee Association) [4] Báo cáo thị trường cà phê tại trang web scasa.co.za [5] Tổng hợp số liệu Trademap.com [6] Trang tin Reuters.com [7] Thông tin từ cộng tác viên dự án VnSAT tại các tỉnh Tây Nguyên [8] Trang thông tin tổng hợp cà phê: http://giacaphe.com/ [9] Trang thông tin thị trường hàng hóa Việt Nam: Vinanet.vn [10] Thông tấn xã Việt Nam. [11] Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. [12] Hải Quan Việt Nam [13] Trang tin TinTayNguyen.com [14] Trang tin Vietnambiz